Ông Lâm Sách, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng:
Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 45 trên địa bàn Sóc Trăng, hệ thống bưu điện các cấp đã cấp phát báo, tạp chí đủ số lượng, đúng đối tượng theo, đúng địa bàn theo quy định tại Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của các DTTS. Đồng thời có thể xem là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ đảng viên, Người có uy tín, sư sãi làm tài liệu tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập: Các ấn phẩm, tạp chí phát qua hệ thống bưu điện vẫn còn chậm. Một số tin bài về các mô hình phát triển mô hình kinh tế, gương điển hình tiên tiến còn ít hình ảnh trực quan sinh động. Bên cạnh đó, các thông tin phản ánh đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn ít, các cơ quan cần đẩy mạnh thông tin thêm.
Ngoài ra, các đơn vị xuất bản bản cần nâng cao chất lượng, đa dạng về nội dung hình thức, thông tin về đồng bào DTTS. Nên có những thông tin về chính sách mới, những chương trình dạy tiếng dân tộc, giải đáp pháp luật để thông tin tới Người có uy tín, tuyên truyền bảo tồn, giữ gìn bẳn sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan… Bên cạnh đó, nên quy định thời gian phát báo đến đối tượng được hưởng thụ để đồng bào kịp thời cập nhập các thông tin.
Ông Đặng Đình Nhiêu, Phó Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang:
Trong giai đoạn 2019 - 2021, các báo, tạp chí theo Quyết định 45 đã phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới vùng đồng bào các DTTS. Trong giai đoạn tới, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đề nghị tiếp tục cung cấp báo, tạp chí cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó đề nghị cấp thêm Báo Dân tộc và Phát triển cho Phòng Dân tộc các huyện, các xã để nắm bắt thông tin.
Trong giai đoạn tới, để thực hiện hiệu quả việc cấp phát báo, các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung thông tin, hình thức, tăng cường thêm nhiều hình ảnh, tăng cỡ chữ để đồng bào dễ hiểu, dễ đọc. Cần tăng kinh phí hỗ trợ cho nhân viên bưu điện cấp xã, để mang lại hiệu quả trong quá trình phát báo. Các đơn vị báo, tạp chí cũng cần tăng cường phối hợp với các đơn vị tại địa phương kiểm tra hiệu quả cấp phát báo, tạp chí của đơn vị mình sản xuất.
Ông Phí Quốc Tuyên, Phó Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam:
Để nâng cao chất lượng của báo, tạp chí theo Quyết định 45, các báo tạp chí cần bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc; tiếp tục có định hướng để các báo, tạp chí tuyên truyên trúng và đúng đối tượng tuyên truyền. Xây dựng nội dung hình thức phong phú, phù hợp, dễ đọc, dễ hiểu, liên quan đến những vấn đề, đối tượng được thụ hưởng quan tâm; tập trung vào nững bài viết có giá trị thông tin lâu dài, có thể sử dụng làm tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền của đội ngũ cán bộ cơ sở. Tăng cường phản ánh đời sống kinh tế - xã hội và những vấn đề đang đặt ra ở vùng DTTS, miền núi, vùng khó khăn cũng như nỗ lực vươn lên. Định kỳ có phiếu khảo sát đánh giá từ phía bạn đọc để thường xuyên cải thiện hình thức và nội dung.
Đối với các cơ quan quản lý các báo, tạp chí thực hiện ấn phẩm cung cấp cho vùng DTTS và vùng đặc biệt khó khăn cần có định hướng tuyên tuyền, bảo đảm đúng và sát thực tiễn và sinh động. Các cơ quan quản lý cũng cần định kỳ tiến hành kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng ấn phẩm từ cơ sở cũng như ghi nhận ý kiến phản ánh từ bạn đọc đối với ấn phẩm.
Bên cạnh đó cần bố trí kinh phí theo hướng tính đúng, đủ để các báo có nguồn lực tổ chức những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống. Những bài viết có chiều sâu, ấn phẩm càng được đầu tư đúng mức để đội ngũ phóng viên, biên tập viên yên tâm khi tìm kiếm, đề tài, suy nghĩ cách thể hiện…
Bà Trần Thị Kiều Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm thông tin Báo Nhân dân:
Thực tế ở vùng DTTS và miền núi cho thấy việc truyền đạt thông tin đến bà con các dân tộc nhanh nhất, hiệu quả nhất vẫn là thông qua các già làng, trưởng bản, Người có uy tín. Đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín chính là nhịp cầu nối quan trọng gắn kết giữa ý đảng và lòng dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới… Chính vì thế, để tuyên truyền hiệu quả nội dung thông tin trên các báo, tạp chí phải ngắn gọn, dễ hiểu, để đội ngũ Người có uy tín dễ nắm bắt. Nội dung tuyên truyền phải thông tin cần tăng cường tôn vinh, động viên, khích lệ những người có ảnh hưởng, uy tín trong đồng bào các DTTS, tạo động lực để họ thi đua và là diễn đàn trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Bước sang giai đoạn mới, khi Đề án cấp một số báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai thực hiện, các cơ quan báo chí sẽ có điều kiện thực hiện Đề án một cách quy mô, bài bản, có chiến lược trong tuyên truyền về lĩnh cực dân tộc và miền núi.
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng:
Về mặt chủ trương, trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì các sản phẩm báo in. Tuy nhiên bên cạnh đó cần khai thác thêm các kênh thông tin như điện tử, phát thanh, truyền hình là xu thế tất yếu. Các cơ quan báo chí cần triển khai các biện pháp kỹ thuật kết nối hạ tầng kỹ thuật để triển khai những kênh thông tin này.
Về mặt nội dung, thời gian qua 19 tờ báo, tạp chí được cấp theo Quyết định 45 đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên trong giai đoạn tới cần có sự điều phối, tổ chức lại việc triển khai thông tin một cách hợp lý theo từng địa bàn, từng dân tộc khác nhau. Ủy ban Dân tộc cần có sự điều phối về nội dung cho phù hợp với từng dân tộc, địa phương.
Ủy ban Dân tộc và Ban Dân tộc các tỉnh cần tích cực tham gia phản hồi các thông tin và cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời tới các cơ quan báo chí trên các lĩnh vực như: Công tác dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc… Các đơn vị báo chí cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Ban Dân tộc địa phương để nắm được đầy đủ những chính sách triển khai thực tế tại địa phương.