Xóa đói, giảm nghèo phải đi trướcDưới tác động tổng hòa của các chính sách dân tộc và các chương trình giảm nghèo khác, tín dụng chính sách xã hội được coi là nguồn lực “cần thiết”, “kịp thời” tiếp sức cho vùng khó, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS; góp phần không nhỏ làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, vùng DTTS và miền núi, đặc biệt là trong xóa đói, giảm nghèo.
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu (tổ chức ngày 04/5/2018), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đã khẳng định: Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo; mà trong công tác dân tộc thì xóa đói, giảm nghèo phải đi trước.
Ngay tại tỉnh Lai Châu, một trong những địa phương nghèo nhất cả nước (tỷ lệ hộ nghèo còn 29,83%, có 62 xã ĐBKK, chỉ có 5.000ha đất sản xuất, còn lại là núi đá), nguồn vốn tín dụng đã tạo lập được chỗ đứng quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn. Tính đến 31/3/2018, toàn tỉnh Lai Châu đã có 48.874 hộ vay vốn tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ gần 1.804 tỷ đồng; trong đó có 44.977 hộ là đồng bào DTTS, với tổng dư nợ gần 1.583 tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn.
Nguồn vốn tín dụng là “kênh” quan trọng giúp Lai Châu trở thành một trong rất ít tỉnh đạt tỷ lệ giảm nghèo với 4% mỗi năm. Thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, đồng bào DTTS nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo. Vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Như ông Lý A Phùa, một hộ vay vốn ở bản Ka Sin Chải, xã Tả Ngảo (Sìn Hồ, Lai Châu). Từ một hộ nghèo, được vay vốn chính sách, hiện gia đình ông đã có 2 con trâu, 8 con dê và trên 50 con gia cầm. Gia đình có cuộc sống ấm no hơn, con cái có điều kiện đến trường học tập. Ông tin tưởng gia đình sẽ thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Tại buổi Tọa đàm “Vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số-Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo miền núi và đồng bằng” được tổ chức ngày 24/5/2018, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành khẳng định: Lâu nay chúng ta loay hoay câu hỏi và câu trả lời: cho bà con “cá hay cần câu”, tôi cho rằng chính sách tín dụng chính là một phương thức để đưa “cần câu” cho bà con. Thông qua chính sách tín dụng đã góp phần tạo nên sự thay đổi căn bản trong đời sống của đồng bào nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Không xây dựng chính sách “đi hàng ngang”Tại buổi Tọa đàm “Vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số-Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo miền núi và đồng bằng”, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, hiện gói vay ưu đãi nằm trong hai chính sách rất quan trọng đang có hiệu lực (Nghị định 75/2015/NĐ-CP và Quyết định 2085/QĐ-TTg) nhưng con số giải ngân đạt rất thấp. Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH thì Nghị định 75/NĐ-CP mới giải ngân được 165 tỷ đồng; còn Quyết định 2085/QĐ-TTg ban hành từ 2016 thì đến nay mới dư nợ được 16 tỷ đồng. Đây là những vấn đề mà chúng ta cần xem xét điều chỉnh trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành và ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Ủy ban Dân tộc) đều thống nhất nhận định: chính sách tín dụng hiện đang áp dụng chung cho tất cả các vùng, miền theo hướng cào bằng trong định mức và cơ chế cho vay. Điều này hoàn toàn không phù hợp bởi thực tế, vùng miền nào có thể tiếp cận với sản xuất hàng hóa và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất thì định mức, cơ chế phải khác, nếu cào bằng thì hiệu quả chỉ có mức độ.
Trên thực tế, việc chưa tính yếu tố vùng, miền trong cho vay là một trong những nguyên nhân khiến dòng vốn tín dụng ưu đãi bị “tắc nghẽn”. Lấy ví dụ một hộ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long muốn vay vốn phát triển chăn nuôi, với quy mô vừa. Nhưng với định mức tối đa không quá 50 triệu đồng (quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP và Quyết định 2085/QĐ-TTg) thì chẳng đủ; do đó gia đình đó dù rất cần vốn nhưng không vay. Trong khi đó, với định mức này, một hộ ở miền núi phía Bắc thì có thể sử dụng để chăn nuôi hộ gia đình, bởi chăn nuôi chỉ là phụ, còn nghề chính vẫn là trồng rừng.
Trao đổi với ông Bùi Văn Lịch về định hướng xây dựng chính sách cho giai đoạn sau năm 2020, ở lĩnh vực tín dụng ưu đãi, ông đưa ra ví dụ: Để phát huy đồng vốn thì có thể sửa đổi quy định bắt buộc hộ nghèo mới được vay. “Ví dụ, một hộ không nghèo, có tư duy làm kinh tế tốt thì có thể cùng với một số hộ nghèo khác vay vốn. Nhưng anh phải cam kết là giúp các hộ nghèo trong nhóm cùng thoát nghèo”, ông Lịch chia sẻ.
Phải khẳng định, thời gian qua, tín dụng chính sách đã giúp cho đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở địa bàn ĐBKK có vốn cải thiện cuộc sống để xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, tốc độ thoát nghèo ở vùng DTTS và miền núi cũng chậm hơn các khu vực khác. Rõ ràng, sự ưu tiên của Nhà nước chưa bù được khó khăn của khu vực đồng bào DTTS.
Để giảm khoảng cách ở khu vực này với khu vực miền xuôi thì nên chăng có tư duy, phương pháp, giải pháp đột phá hơn trong xây dựng chính sách tín dụng. Đặc biệt là không xây dựng chính sách “đi hàng ngang” mà phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phân vùng, phân loại để xử lý vấn đề nghèo đói.
Sỹ Hào