Theo quy chế điểm ưu tiên được cộng thêm vào số điểm thi thực tế của thí sinh và là căn cứ để các trường xét trúng tuyển. Bản chất của cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều.
Theo đó, chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng đối với tổng 3 môn thi THPT để xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Quy chế quy định. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Quy chế.
Trước đó, năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở lên thiếu công bằng.
Vì thế, điều chỉnh này nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển đại học, cao đẳng.
Điều chỉnh này áp dụng với tất cả các phương thức xét tuyển. Do đó, khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh, các trường cần quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.
Hiện nay, một số trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét học bạ THPT, xét tuyển riêng và có thể công bố kết quả xét tuyển sớm, trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo quy chế tuyển sinh, thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký xét tuyển lại trên hệ thống của Bộ GD&ĐT theo thời gian quy định, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT./.