Ô nhiễm tràn lanTheo báo cáo của UBND xã Nhơn Phúc, TX. An Nhơn, toàn xã hiện có hơn 220 hộ làm nghề bún-bánh, tập trung chủ yếu ở thôn An Thái và Mỹ Thạnh. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải nên mỗi ngày, hàng trăm mét khối nước từ các lò sản xuất xả thải trực tiếp ra vườn nhà, kênh, mương, sông... gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ tính riêng tại đội 20, thôn An Thái cũng đã có hơn 30 hộ làm nghề sản xuất bún-bánh. Điều đáng nói nước thải trong quá trình sản xuất đều xả thải trực tiếp ra bờ sông Kôn. Một chủ cơ sở sản xuất bún ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, cho biết: “Mỗi ngày gia đình sản xuất khoảng 100kg bún, nhưng nan giải nhất là hệ thống xử lý nước thải, vì không biết thoát vào đâu, đành phải thải ra phía sau sông Kôn,… Biết làm như vậy là ô nhiễm, nhưng do kinh phí làm hệ thống xử lý nước thải quá lớn, nên gia đình đành nhắm mắt làm liều”.
Tương tự, tại làng nghề bún tươi Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu TX. An Nhơn, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đến mức báo động. Được biết, đây là làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay, trong làng có gần 800 hộ dân sinh sống và làm nghề sản xuất bún tươi. Trước đây, người dân sản xuất bún bằng thủ công nhưng, hiện nay nhiều hộ đã đầu tư máy móc sản xuất bún với số lượng lớn, từ 5-10 tấn bún/ngày. Điều này đồng nghĩa với lượng nước thải sản xuất bún sẽ tăng lên rất nhiều, trong khi hệ thống xử lý nước thải cho các hộ làm bún tại làng nghề chưa được đầu tư xây dựng.
Ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu xác nhận, lượng nước thải làm bún-bánh là rất nhiều. Thời gian qua, các hộ dân tự bắt ống đặt ngầm dẫn nước thải ra ruộng, gò, mương thoát nước, mương tưới tiêu; cộng với nước thải chăn nuôi của các hộ, luôn gây ra mùi hôi thối nồng nặc, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, cuộc sống của người dân trong làng.
Nan giải tìm hướng xử lýLãnh đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường, TX. An Nhơn cho biết, qua kiểm tra hầu hết các cơ sở sản xuất bún-bánh tại các xã Nhơn Phúc, Nhơn Hậu chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Thị xã cũng đã làm việc với địa phương, yêu cầu các cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất, sử dụng chế phẩm vi sinh học xử lý mùi hôi, đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra sông; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong làng nghề thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Trao đổi về thực trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở làm bún-bánh, ông Võ Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc cho biết, hiện chỉ có khoảng 10% trong tổng số hơn 220 hộ làm nghề trên địa bàn có đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, thời gian qua, địa phương cũng đã vận động các hộ xây dựng phương án xử lý nước thải ra môi trường như, bể lắng, hầm bi-ô-ga nhằm hạn chế việc ô nhiễm nguồn nước, môi trường và không khí.
Tuy nhiên, chỉ hạn chế được phần nào, nên giải pháp khả thi nhất là phải di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất bún-bánh nằm trong khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung có hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản. Tuy nhiên, nguồn kinh phí quá lớn, nên địa phương không kham nổi.
Ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu nêu thêm khó khăn, thường các hộ dân sản xuất bún kèm theo chăn nuôi heo nên người dân yêu cầu, địa phương quy hoạch tập trung khu sản xuất làm bún phải kết hợp với chăn nuôi heo. Nếu tách riêng thì các hộ dân không đồng ý.
“Chúng tôi không thể thống nhất với ý kiến của người dân, vì nguy cơ ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn thực phẩm sẽ ảnh nghiêm trọng hơn khi quy hoạch khu sản xuất bún chung với khu chăn nuôi heo. Chỉ khi nào xây dựng được điểm làng nghề tập trung, có hệ thống xử lý nước thải bài bản mới có thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường”, ông Thọ nói.
ĐẠT THÀNH NHÂN