Tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 82 ngàn người Chăm sinh sống tập trung 22 làng thuộc 13 xã, thị trấn trên địa bàn 5 huyện, thành phố. Đây là địa phương có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất cả nước, còn gìn giữ nhiều nghi lễ, làng nghề truyền thống. Trong đó, Lễ hội Katê và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2017.
Katê là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tưởng nhớ công ơn tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đình và làng xóm an vui, sản xuất nông nghiệp thịnh vượng. Tại các tháp Poklong Garai ở phường Đô Vinh (Phan Rang- Tháp Chàm), Pôrômê ở xã Phước Hữu (Ninh Phước), đền Pô Inư Nưgar ở xã Phước Hữu (Ninh Phước), đền Poklong Chanh ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) diễn ra các hoạt động theo tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm như cúng mở cửa đền tháp, mặc trang phục cho thần linh, hát múa ngợi ca công lao của các vị thần đối với dân làng…
Ông Lượng Thị, Trưởng Ban phong tục làng Chăm Bỉnh Nghĩa, thuộc xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc) cho biết vụ Hè Thu năm nay được mùa nên bà con phấn khởi lắm. Chi hội Phụ nữ luyện tập chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục ca múa truyền thống biểu diễn vào tối 27/9 tạo không khí vui tươi vào mùa lễ hội.
Bỉnh Nghĩa hiện có 749 hộ, với trên 3.700 nhân khẩu đồng bào Chăm. Đời sống của người dân địa phương dựa vào nguồn thu nhập từ 262ha ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh và Sông Trâu. Bà con áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” canh tác lúa Hè Thu đạt năng suất bình quân 65-70 tạ/ha/vụ. Nông dân địa phương chăn nuôi 2.600 con bò và 1.600 con cừu theo mô hình bán thâm canh. Nhờ chăn nuôi gia súc có sừng kết hợp thâm canh lúa đạt năng suất cao, nhiều nông hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Làng Phú Nhuận là khu dân cư đồng bào Chăm có đời sống kinh tế phát triển của xã NTM Phước Thuận (Ninh Phước). Hệ thống giao thông nông thôn được Nhà nước và Nhân dân cùng làm bê tông hóa tất cả các tuyến đường. Nhà văn hóa xã Phước Thuận được xây dựng khang trang tại thôn Phú Nhuận. Trường TH Phú Nhuận vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 tầng lầu đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào dân tộc Chăm…
Ngày 30/9, Ban Phong tục làng Bàu Trúc sẽ làm lễ mở cửa đền Poklong Chanh tưởng nhớ công lao của ông tổ nghề gốm địa phương. Bàu Trúc nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trên 36 tỉ đồng xây dựng hệ thống điện, đường, trường học, nhà trưng bày gốm, nhà sinh hoạt văn hóa tạo nên sự khởi sắc làng nghề truyền thống vùng đồng bào Chăm. “Năm nay mùa màng thắng lợi, sản phẩm gốm được thị trường tiêu thụ mạnh, nên bà con mừng đón lễ hội Katê chu đáo lắm”, anh Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu phố Bàu Trúc (Phước Dân, Ninh Phước) chia sẻ.
Đến với xã Phước Thái (Ninh Phước), chúng tôi gặp bà con nông dân khẩn trương làm đất xuống giống 770ha lúa vụ mùa 2019. Anh Lưu Văn Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thái cho biết toàn xã hiện có 2.516 hộ, với 10.396 người dân sinh sống tại 8 địa bàn khu dân cư, đồng bào dân tộc Chăm chiếm 61,3% dân số. Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tạo không khí vui tươi trong đời sống nhân dân trong dịp đón mừng Lễ hội Katê 2019. Trong đó có các hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia.
Gặp lại Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng Sư cả Chăm Bàlamôn vừa ra Thủ đô Hà Nội dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX về, tay bắt mặt mừng. Ông phấn khởi chia sẻ niềm vui: “Đồng bào các làng Chăm đón mừng Lễ hội Katê 2019 phấn khởi lắm. Bà con làm ăn thắng lợi, nhiều gia đình xây được nhà ở to đẹp và nuôi dạy con cháu học hành thành đạt. Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều trường học mới đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào Chăm. Bà con thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; tình hình an ninh, trật tự thôn xóm được giữ vững…”..