Cùng hành trình với nhân vật chính Cà Nóng - chiếc máy ảnh vật bất ly thân của cô chủ - còn có nhiều bạn bè đồng nghiệp, những bác Tê Lê, thằng So, cô Meica, thằng Ni... làm nên một thế giới của những người bạn mới lần đầu đến với quần đảo Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
Qua chuyến hải trình của nhóm bạn đó, Tiểu Quyên khéo léo chuyển vào trong từng tình tiết truyện niềm yêu mến biển đảo và ý thức chủ quyền đối với Tổ quốc.
Mục tiêu có vẻ "người lớn" được chuyển tải trong câu chuyện dành cho thiếu nhi là một thử thách không nhỏ cho tay nghề và bút lực. Nhưng thật may, với sở trường giọng văn thủ thỉ tâm tình và độ nhạy của tâm hồn gần như hóa thân trọn vẹn vào một nhân vật thiếu nhi, tác giả đã mang lại một câu chuyện biển đảo đầy chất riêng.
Các bạn thiếu nhi theo dõi hành trình Cà Nóng ắt sẽ cảm nhận được phần nào cái háo hức của một nhân vật lần đầu nghe tin mình sẽ được đến một loạt đảo trong quần đảo Trường Sa, sau đó là làm quen với các nề nếp sinh hoạt trên tàu, làm quen với gió to sóng dữ, đặc biệt là làm quen với không khí sinh hoạt trên tàu, chẳng hạn như cách chia nhóm và đặt tên theo tên đảo để gọi nhau Sinh Tồn ơi, Đá Lát ơi, Sơn Ca ơi, Tiên Nữ ơi... nghe đầy cảm xúc.
Có những đoạn trải nghiệm thật đặc biệt, như việc chứng kiến những chú heo đi trên tàu bị say sóng, hay câu chuyện về những chú chó bạn thân của lính đảo được ghi lại trong cái nhìn của một chiếc máy ảnh thật tinh tế và đầy tình cảm: "...ngày các anh lên tàu trở lại đất liền, có những chú chó đã nhảy xuống biển bơi theo tàu...".
Và đáng kể nhất là mạch cảm xúc về chủ quyền Tổ quốc. Cà Nóng của Tiểu Quyên tế nhị khi nhắc lại sự kiện Gạc Ma, trong lời kể về những ngôi chùa được xây từ loại gạch mà mỗi viên đều đóng quốc huy Việt Nam.
Người đọc bồi hồi trước buổi lễ thả hoa từ boong tàu để tưởng niệm 64 chiến sĩ đã bỏ mình trong trận Gạc Ma qua lời Cà Nóng:
"Cô chủ của tôi chào đời ngày 14 tháng Ba năm 1988, cô vẫn nói đó là thời khắc thật đặc biệt. Giờ thì tôi mới hiểu lý do. Ngày ấy chính ở nơi này, Cô Lin và đảo đá Gạc Ma đã phải chống chọi với bọn xâm lược phương Bắc. Sáu mươi tư chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. Các anh đã chiến đấu với kẻ thù cho đến hơi thở sau cùng".
Và Tiểu Quyên còn có chút đổi mới trong bút pháp, như đoạn cho Cà Nóng "xuyên không" trở về với hải đội Hoàng Sa, lọt vào tay những người binh phu thời nhà Nguyễn đang đi làm nhiệm vụ cắm cọc chủ quyền, thu nhặt sản vật ở Vạn Lý Trường Sa và vừa trải qua một cuộc giao đấu với hải tặc...
Cà Nóng chu du Trường Sa còn có cả những giây phút lãng mạn khi cô chủ làm thơ trong đêm trăng trên boong tàu, hoặc cả bọn cùng tìm hiểu về các chòm sao, xen lẫn trong khắc nghiệt của gió nhà giàn và không gian đầy nhân cảm của người thầy dạy học cho các em thiếu nhi trên đảo...
Được xếp vào tủ sách Biển đảo Việt Nam của NXB Kim Đồng, Cà Nóng chu du Trường Sa chắc chắn là một tác phẩm có vị trí riêng, nhất là tập sách có nhiều tranh minh họa thật đẹp bên cạnh câu chuyện đầy tình tiết sống động và màu sắc đa dạng./.