“Vùng xanh” an toàn trước đại dịch
Cà Mau là địa phương được đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tiến độ triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của tỉnh thuộc nhóm nhanh nhất nước và đảm bảo an toàn. Có 101/101 xã, phường, thị trấn của Cà Mau trong mức nguy cơ thấp hoặc ít nguy cơ, hầu hết các doanh nghiệp cũng thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm bệnh thấp.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 45 ca bệnh nhiễm Covid-19, trong đó, có 1 ca được cách ly từ nước ngoài về, số ca mắc còn lại đều từ bên ngoài về địa phương, trong đó 19 ca chữa trị khỏi. Nguồn nhân lực y tế cả trong và ngoài công lập hiện là 5.859 người, với 1.387 bác sĩ và 1.570 điều dưỡng.
Nhờ thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các khu cách ly tập trung, cách ly điều trị được đảm bảo, chưa có hiện tượng lây nhiễm chéo.
Hiện nay, Cà Mau đang dần thích ứng với điều kiện bình thường mới, đủ cơ sở thực tiễn và khoa học để thiết lập “vùng xanh”, làm bước đệm vực dậy nền kinh tế của tỉnh sau dịch bệnh. Qua khảo sát công tác phòng, chống dịch tại 27 doanh nghiệp đang hoạt động, có 26 doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm bệnh thấp, 1 doanh nghiệp ít có nguy cơ.
Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau cho biết: Hiện tại, tỉnh đang triển khai kế hoạch để thiết lập “vùng xanh”. Tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác chuyên sâu, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Chủ trương của tỉnh là cách ly tất cả những người từ ngoài tỉnh về, trong đó, đặc biệt là biện pháp cách ly y tế hộ gia đình đối với diện có nguy cơ thấp để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tỉnh đang triển khai kế hoạch để thiết lập “vùng xanh”, trong đó đặc biệt quan tâm đến giải pháp kiểm soát người từ ngoài tỉnh về, chú trọng tới các đối tượng tài xế, những người không vào theo đường chính ngạch theo quy định. Bởi thời gian qua, có tình trạng xe chở hàng hoá lại chở theo người, việc khai báo thông tin không trung thực. Do đó, Cà Mau sẽ siết chặt cả đầu vào và đầu ra. Tăng cường bảo vệ vành đai xanh với các tuyến tiếp giáp với tỉnh khác”.
“Cà Mau cam kết giữ vững, mở rộng "vùng xanh", chuẩn bị cho điều kiện mới, trước mắt là sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân khẳng định.
Cần sự đồng thuận, chung sức của người dân và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết: Chiến lược phòng, chống dịch bệnh của Cà Mau là tiêm vắc xin nhanh. Căn cứ theo lượng vắc xin được phân bổ theo quy định thứ tự các đối tượng ưu tiên, và làm càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, Cà Mau chủ trương đưa 3 huyện gồm: Phú Tân, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời để thiết lập “vùng xanh”, giữ vững an toàn và mở rộng dần "vùng xanh".
Việc thiết lập các "vùng xanh" an toàn, kết nối giữa các địa phương này với nhau trong các lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa, là tiền đề để mở rộng "vùng xanh" nhằm giữ vững các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh đã đề ra. Đây là một kế hoạch dài hơi, cần giải pháp đồng bộ, mà trước tiên phải cần được sự đồng thuận chung sức của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị quyết tâm thực thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã phân công trực tiếp các đồng chí cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy, phụ trách công tác phòng, chống dịch Covid-19 từng địa phương.
Theo đó, địa phương sẽ siết chặt phòng, chống dịch giữa các vùng giáp ranh; xây dựng cách thức sản xuất; phối hợp với doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện trong tiêu thụ nông sản, nhất là trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ còn kéo dài.
Đặc biệt, rà soát kỹ lưỡng, kịp thời nắm bắt các điểm nghẽn trong lưu thông, tiêu thụ. Nỗ lực cao nhất, là bảo vệ quyền lợi và tiếp tục ổn định đời sống cho Nhân dân; duy trì sản xuất của doanh nghiệp, thông suốt cho hàng hóa ở các vùng sản xuất nguyên liệu.
Hiện Cà Mau đảm bảo thông suốt hàng hóa, nhưng cũng làm rất chặt việc kiểm soát tất cả các lượt xe tải, tài xế vận chuyển hàng về Cà Mau cả đầu vào và đầu ra để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.Tỉnh Cà Mau coi đây là nguồn lực để địa phương ứng phó nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn./.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)