Từ đêm 31/3 đến ngày 2/4, trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn các xã Thiết Ống, Thiết Kế, Ban Công, Điền Lư và Thị trấn Cành Nàng (Huyện Bá Thước) đã xảy ra hiện tượng, cá nuôi lồng chết hàng loạt ở 34 lồng nuôi cá trắm của 23 hộ nuôi (tổng trọng lượng 3 tấn). Ngoài ra, nhiều loại cá, tôm, ếch và một số loại thủy sản tự nhiên trên sông cũng bị chết.
Sau khi nhận được thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa đã thành lập Đoàn kiểm tra nhanh 5 cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã trên địa bàn Huyện Bá Thước và Huyện Quan Hóa, gồm: Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP TNHH Sản xuất thương mại Đồng Tâm, Hợp tác xã (HTX) Sông Mã, Công ty TNHH Phú Thành, hộ gia đình bà Phạm Thị Loan và Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Bá Thước.
Ngày 3/4 Sở TN&MT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo về vụ việc. Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa xác định, Công ty TNHH Tân Thái Thanh (Xã Thiết Kế, Huyện Bá Thước) là cơ sở sản xuất giấy vàng mã đang xả thải trực tiếp nước xeo giấy ra sông Mã; hộ gia đình bà Phạm Thị Loan (Xã Thiết Ống, Huyện Bá Thước), có cơ sở sản xuất bột giấy, đã lắp đặt cống ngầm xả trực tiếp nước thải ngâm ủ bột giấy ra sông Mã. Sau khi phát hiện, Sở đã lập biên bản ghi nhận hiện trường và đề nghị xử lý theo quy định.
Đoàn cũng đã phát hiện 2 cơ sở gồm Công ty CP TNHH Sản xuất thương mại Đồng Tâm (Thị trấn Cành Nàng, Huyện Bá Thước) và HTX Sông Mã tại Xã Phú Nghiêm (Huyện Quan Hóa) sản xuất giấy vàng mã có công trình xử lý nước thải chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nước tràn bề mặt đang chảy ra sông Mã.
Sở TN&MT đã đề nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND Huyện Quan Hóa và Bá Thước chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan vì đã không kịp thời kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã xả thải ra môi trường.
Cũng xảy ra tình trạng tương tự, từ 16 - 19/3, tại các xã: Xuân Thiên, Thọ Lâm, Phú Xuân, Thọ Hải, Thuận Minh, Xuân Hòa, Xuân Tín (Huyện Thọ Xuân), người dân nuôi cá lồng dọc sông Chu đã bị thiệt hại nặng nề khi cá (chủ yếu trắm cỏ) chết hàng loạt. Theo thống kê của UBND Huyện Thọ Xuân, có tổng số 62 hộ bị thiệt hại, với số lượng cá chết là hơn 11 tấn.
Theo phản ánh của người dân, việc cá chết trên sông Chu là do phía thượng nguồn có cống xả thải của Nhà máy Giấy Mục Sơn xả thẳng ra sông. UBND Huyện Thọ Xuân đã phối hợp Sở TN&MT tỉnh lấy mẫu nước, mẫu cá chết để làm rõ nguyên nhân.
Ngày 5/4, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở đã có văn bản gửi UBND Huyện Thọ Xuân về hiện tượng cá chết bất thường trên sông Chu, đoạn chảy qua địa bàn huyện từ ngày 16 - 19/3. Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh xác định, tại thời điểm lấy mẫu nước xét nghiệm (trưa 16/3), trong nước có hàm lượng N-NO3 cao hơn tiêu chuẩn; mẫu cá có nhiễm vi khuẩn Pseudomonas sp - đây là loại vi khuẩn gây chết cá.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hàm lượng N-NO3 và vi khuẩn Pseudomonas sp chỉ gây hiện tượng cá chết với tỷ lệ thấp và chậm. Nhưng cá nuôi lồng của người dân ở Thọ Xuân lại chết hàng loạt, trong 4 ngày đã chết hơn 11 tấn. Trong khi đó, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa chưa khẳng định nguyên nhân cá chết hàng loạt có phải do Nhà máy Giấy Mục Sơn hay không. Đây là vấn đề mà ngành NN&PTNT, UBND Huyện Thọ Xuân cần sớm làm rõ.