Lấy du lịch biển, đảo làm chủ lực
Có thể khẳng định, tiềm năng du lịch chính của Bình Định vẫn là biển, đảo. Vì thế, tỉnh Bình Định đã triển khai hàng loạt chương trình để khai thác tối đa tiềm năng từ những bãi biển, bãi tắm và những tài nguyên liên quan để phục vụ du lịch. Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: Xác định phát triển du lịch từ biển, đảo là sản phẩm chủ lực giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết và chương trình hành động mời gọi các nhà đầu tư vào biển Bình Định để phát triển thành những sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Cũng theo ông Thanh, song song với việc đầu tư nguồn lực để phát triển các sự kiện, chuỗi du lịch ở biển, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị với các tỉnh, thành trong nước để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và khai thác các tuyến du lịch liên tỉnh theo chuỗi.
Đơn cử như, trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, Bình Định đã liên kết với Quảng Nam, Phú Yên, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Giang… để tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển du lịch tỉnh nhà. Ngoài ra, địa phương cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện mang tầm vóc khu vực, quốc tế nhằm kích cầu du lịch ở khu vực biển nói riêng, du lịch cả tỉnh nói chung.
Trong năm 2023, Bình Định tổ chức chuỗi sự kiện “Quy Nhơn – Thiên đường biển – Rực rỡ sắc màu” với hàng loạt sự kiện đặc sắc tại khu vực quảng trường gần bãi biển. Trong đó, những màn trình diễn như lễ hội khinh khí cầu, lễ hội ánh sáng, lễ hội diều bãi biển…đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến để trải nghiệm.
Tiếp nối thành công đó, 6 tháng đầu năm 2024, Bình Định tiếp tục "trình làng" chuỗi sự kiện kích cầu du lịch hoành tráng, trong đó điểm nhấn là Giải Vô địch Thế giới mô tô nước Aquabike và Giải Vô địch thế giới thuyền máy F1H2O; chuỗi sự kiện du lịch Hè năm 2024, trong đó có Giải TeqBall Quốc tế.
Đặc biệt, Lễ hội Tinh hoa Đất biển Bình Định năm 2024, là một trong những sự kiện nổi bật, gồm chuỗi sự kiện: Lễ hội ẩm thực món ngon từ biển, Hội chợ OCOP, làng nghề, Lễ hội đường phố và Lễ hội ánh sáng cùng màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật đặc sắc.
Không những khu vực bãi biển Quy Nhơn, hiện nay tỉnh Bình Định cũng đang có các chiến lược để phát triển du lịch biển ở những vùng lân cận. Ví như, ở khu vực làng chài Nhơn Lý, tỉnh cũng đã quy hoạch và đầu tư để hình thành làng du lịch cộng đồng; hay khu vực biển Nhơn Hải – Nhơn Châu với những rặng san hô quý hiếm, địa phương đã và đang đầu tư để hình thành các tuor du lịch lặn ngắm san hô, kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm. Riêng đối với tiềm năng du lịch ở khu vực bán đảo Phương Mai, vừa qua địa phương cũng tổ chức sự kiện đua môtô cát thu hút hàng ngàn người tham gia trải nghiệm.
Đưa “đặc sản” của đồng bào DTTS thành sản phẩm du lịch đặc trưng
Tỉnh Bình Định hiện có 39 DTTS, chiếm 2,5% dân số của tỉnh, tập trung ở các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão. Với sự đa dạng trong văn hóa, độc đáo từ các làng nghề, những lễ hội phong phú, khu vực miền núi của Bình Định có thế mạnh riêng trong việc góp phần phát triển du lịch địa phương.
Đơn cử như xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) được ví như “viên ngọc quý” hàng đầu để khai thác du lịch. Nơi đây ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những cánh rừng hùng vĩ, sông, suối, thác còn nguyên sơ, chứa đựng nhiêu giá trị văn hóa và lịch sử như thành đá Tà Kơn, thác Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ - căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn…
Hiện nay, đồng bào Ba Na ở huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống rất độc đáo như: Lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, các điệu dân vũ, các bài cúng, truyền thuyết, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, đàn T’rưng…
Trong khi đó, đồng bào huyện Vân Canh hiện vẫn còn gìn giữ được nhiều làng nghề đặc sắc, trong đó phải kể đến làng dệt thổ cẩm Hà Văn Trên. Ngoài ra là có các lễ hội cồng chiêng, múa trống đôi, các điệu múa… cũng là một trong những “đặc sản” ở vùng cao để phục vụ khai thác du lịch.
Bên cạnh việc khôi phục lại các lễ hội, địa phương cũng đang tính đến phương án cải thiện các làng nghề truyền thống, quảng bá sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời kết nối để phát triển du lịch.
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Bình Định cho hay: Nhằm đẩy mạnh thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của DTTS gắn với phát triển du lịch”, hiện nay Sở đang nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển du lịch cộng đồng, trong đó hướng đến khai thác tài nguyên du lịch hiện có của các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, truyền dạy về nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ và tái hiện các nghi thức truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng cao trên địa bàn tỉnh, nhằm tiến tới khai thác để phát triển du lịch.
"Những năm gần đây, Sở cũng đã phối hợp với các huyện trung du và miền núi tìm cách đánh thức các tiềm năng sẵn có này. Sở đã phối hợp cùng địa phương thực hiện tuyên truyền lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào Ba Na để khai thác, xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch tiêu biểu, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng DTTS và miền núi", ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định chia sẻ thêm.