Chương trình được xây dựng nhằm góp phần phát triển các năng lực, giá trị và phẩm chất cần thiết để người học có thể nâng cao trình độ học vấn chung cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hình thành ý thức tự học và học tập suốt đời; trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Đồng thời, hình thành và phát triển cho người học năng lực giao tiếp tiếng Anh thông qua trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết về tiếng Anh thực hành dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, từ đó giúp người học có thể sử dụng tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu của công việc và cuộc sống, theo đuổi các mục tiêu học tập cao hơn hoặc có thể làm việc ngay sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ Chương trình.
Sau khi hoàn thành Chương trình, người học sẽ có kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh để sử dụng theo nhu cầu; giao tiếp thành thạo tiếng Anh thông qua bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân trong cuộc sống và công việc; có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người, nền văn hoá và ngôn ngữ của các quốc gia nói tiếng Anh; hiểu và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hoá; biết tự hào, yêu quí và trân trọng nền văn hoá và ngôn ngữ của dân tộc mình; đồng thời phản ánh được giá trị văn hoá Việt Nam bằng tiếng Anh.
Theo đó, các năng lực đặc thù cần đạt đối với người học được mô tả theo từng bậc và theo bốn kĩ năng giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Thời lượng dạy học để hoàn thành mục tiêu của mỗi bậc năng lực được đề xuất như sau:
Bậc 1 thời lượng đề xuất 120-150 giờ.
Bậc 2 thời lượng đề xuất 200-250 giờ.
Bậc 3 thời lượng đề xuất 300-350 giờ.
Bậc 4 thời lượng đề xuất 350-450 giờ.
Bậc 5 thời lượng đề xuất 450-600 giờ.
Bậc 6 thời lượng đề xuất 1000-1200 giờ.
Nội dung dạy học cụ thể của Chương trình cũng được thiết kế theo các bậc năng lực của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Thời lượng đề xuất cho mỗi bậc năng lực là số giờ học mà người học thực hiện trong ngữ cảnh học tập chính quy (trong lớp học). Thời lượng dạy học đối với mỗi bậc năng lực có thể không giống nhau đối với những đối tượng người học khác nhau và phụ thuộc vào những yếu tố như: độ tuổi, động cơ học tập, trình độ văn hóa, thời gian tự học của mỗi cá nhân, và trình độ đầu vào.
Dựa trên đề xuất về thời lượng dạy học, cơ sở giáo dục cần phân bổ thời lượng dạy học một cách linh hoạt để phát huy tối đa khả năng học tập của người học và phù hợp với điều kiện dạy học thực tế.
Để việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, giáo viên phải đạt chuẩn năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm theo quy định của Bộ GD&ĐT; giáo viên phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật giáo dục và được hướng dẫn đầy đủ về nội dung và cách thức triển khai Chương trình này. Công tác bồi dưỡng năng lực cho giáo viên phải được tổ chức thường xuyên để thực hiện đúng mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá quy định trong Chương trình.
Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục phải đảm bảo cần đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất: học liệu tối thiểu cho giáo viên và người học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Phòng học cần đảm bảo thoáng mát, đủ ánh sáng, phù hợp với từng nhóm đối tượng người học cụ thể, đáp ứng các quy định về an toàn và kỹ thuật. Đảm bảo các trang thiết bị tối thiểu trong một lớp học ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng cường sử dụng thiết bị ứng dụng công nghệ hỗ trợ việc dạy học của giáo viên, việc học và tự học của người học.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2021 và thay thế Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 02/12/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Quy định Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.