Theo người dân địa phương, việc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Việt Hoa (Công ty Việt Hoa) xây dựng trạm bê tông không phép, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
Để làm rõ nội dung người dân phản ánh, phóng viên đã có mặt tại khu vực này. Theo quan sát, một diện tích đất lớn đã bị Công ty Việt Hoa san ủi, xây dựng trạm trộn bê tông. Quan sát bên ngoài, trạm trộn bê tông này xây dựng khá bề thế, bao gồm: Nhà chứa cốt liệu, khu phối trộn bê tông, bể chứa nước, khu tập kết phương tiện, hầm chứa nước thải, sân bãi và khu nhà ở tập thể cho hàng chục công nhân.
Một người dân địa phương cho hay: Từ tháng 7/2020, một phần khu đồi tại thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp đã bị Công ty Việt Hoa san bằng để xây dựng trạm trộn bê tông. Mặc dù được xây dựng bề thế, nhưng nhờ nằm lọt thỏm trong thung lũng, cách đường lớn gần 1 km nên rất khó phát hiện.
Được biết, khu vực này nằm trong diện tích 90 ha rừng thanh lý, được quy hoạch lại giao cho địa phương quản lý. Điều bất thường ở đây là, đất rừng do địa phương quản lý, nhưng theo hợp đồng thuê đất của Công ty Việt Hoa thì lại ký với một hộ người dân. Cụ thể, trong hợp đồng thuê mặt bằng HĐTĐ/VH-07/2020, ký ngày 22/7/2020, Công ty Việt Hoa ký với ông Phan Đình Phương và vợ là Trần Thị Kim Loan có thời hạn thuê đất đến ngày 22/7/2023.
Vấn đề đặt ra là vì sao đất do địa phương quản lý nhưng người dân lại đứng ra cho thuê, liệu hợp đồng này có đủ giá trị pháp lý? Ngoài ra, trạm trộn này không có Giấy phép xây dựng, mà chỉ có tờ trình Kế hoạch bảo vệ môi trường? Như vậy, xét về các thủ tục cần thiết, thì trạm trộn bê tông này không đủ điều kiện để hoạt động. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào, hơn 2 năm nay, trạm trộn này vẫn vô tư hoạt động, mỗi ngày hàng chục chuyến xe ra vào chở bê tông đi tiêu thụ?
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với anh Phan Bá Linh, quản lý trạm trộn bê tông về tình hình hoạt động của trạm. Theo giải thích của anh Linh, về các thủ tục pháp lý của Công ty thì anh không nắm rõ, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, trạm trộn đã dừng hoạt động và chuẩn bị tháo dỡ, nhưng do tình hình dịch bệnh nên việc tháo dỡ chậm. Trước đây công ty xây dựng trạm trộn chủ yếu phục vụ cho dự án Nova Hill Mũi Né chứ không bán ra ngoài.
Trái với giải thích của người quản lý trạm trộn bê tông, anh Nguyễn Hoàng P., người dân địa phương, thường xuyên đi ngang qua khu vực này cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động của trạm trộn bê tông vẫn hoạt động bình thường. “Khi mới xây dựng, trạm trộn này hoạt động rất rầm rộ, mỗi ngày hàng chục xe chở bê tông ra vào. Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch bệnh, ít công trình xây dựng, nên hoạt động của trạm trộn cũng im ắng hơn. Mọi hoạt động của trạm trộn khép kín, xung quanh xây dựng hàng rào, nuôi nhiều chó dữ nên người lạ rất khó tiếp cận gần”, anh P. chia sẻ thêm
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết cho biết: Phản ánh của người dân về trạm trộn bê tông của Công ty Việt Hoa trên địa bàn xã là đúng. Xã đã kiểm tra nhiều lần, Công ty Việt Hoa có nhiều sai phạm về sử dụng đất và nhiều quy định khác. Xã đã làm hết chức năng nhiệm vụ của mình.
“Chúng tôi đã xử lý vi phạm hành chính vì hành vi xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp và đã có văn bản báo cáo cụ thể, đầy đủ lên cấp trên để xử lý. Theo thông tin tôi nắm được, thì trạm trộn này đã có quyết định tháo dỡ, nhưng tiến độ tới đâu thì tôi không nắm được. Tôi sẽ chỉ đạo cán bộ địa chính kiểm tra và yêu cầu Công ty Việt Hoa tháo dỡ theo đúng quy định”, ông Hòa chia sẻ thêm.
Như vậy có thể khẳng định, xét về các thủ tục pháp lý thì trạm trộn bê tông của Công ty Việt Hoa không đủ điều kiện để hoạt động, nhưng vẫn tồn tại trong một thời gian dài là vấn đề khiến dư luận quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu các cơ quan chức năng có cố tình “làm ngơ” cho Công ty Việt Hoa? Ai là người chịu trách nhiệm để cho trạm trộn trái phép này tồn tại? Câu hỏi này xin dành lại cho các ngành chức năng TP. Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận.