Cấp quyền sử dụng đất cho tư nhân vì không nhận được quyết định của tỉnh ?
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 1470/QĐ-UBND về việc thu hồi khu đất diện tích 19,6 héc ta tại phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để tổ chức đấu giá. Đến ngày 20/6/2017, diện tích đất nêu trên được thu hồi và giao cho UBND TP. Phan Thiết quản lý theo Quyết định 1653/QĐ-UBND do UBND tỉnh Bình Thuận ban hành.
Thực hiện quyết định này, ngày 15/9/2017, các đơn vị có liên quan đã phối hợp cắm mốc và lập Biên bản bàn giao đất trên thực địa. Tại biên bản có xác nhận của đại diện UBND phường Hàm Tiến, do cán bộ địa chính phường, ông Châu Thế Đệ, ký biên bản.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, chính UBND phường Hàm Tiến lại xét nguồn gốc quá trình sử dụng đất để hợp thức hóa hồ sơ, trên cơ sở đó UBND TP. Phan Thiết cấp GCNQSDĐ cho 3 hộ dân chồng lấn lên diện tích 19,6 ha này. Trong đó, hộ ông N.H.C. chồng lấn 1.255,2 m2, hộ ông L.V.H. chồng lấn 986,7 m2 và hộ ông P.V.X. chồng lấn 13.919 m2.
Tổng cộng có đến 16.160,9 m2 bị chồng lấn lên diện tích 19,6 héc ta do Nhà nước quản lý. Các khu đất chồng lấn này, hiện nay đã được chuyển nhượng quyền sử dụng cho nhiều cá nhân khác nhau, gây khó khăn cho việc thu hồi, gây ra thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Giải thích về việc cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân chồng lấn lên đất do Nhà nước quản lý, đại diện UBND phường Hàm Tiến cho rằng, tại thời điểm xét duyệt các hồ sơ về nguồn gốc sử dụng đất cho các hộ dân (năm 2018), UBND phường không được UBND tỉnh Bình Thuận giao Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 và bản đồ kèm theo?.
Quá trình cắm mốc và bàn giao đất trên thực địa với khu đất trên, phía UBND phường Hàm Tiến không tham dự. Tuy nhiên, UBND phường Hàm Tiến xác nhận công chức địa chính của phường có ký vào biên bản bàn giao, sau khi đoàn công tác đến UBND phường làm việc.
Để làm rõ việc, vì sao không nhận được Quyết định 1653/QĐ-UBND và bản đồ kèm theo nhưng lại có đại diện UBND phường Hàm Tiến ký vào biên bản bàn giao, chúng tôi liên hệ ông Châu Thế Đệ để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, ông Đệ từ chối trả lời về việc này. Trong khi đó, ông Ngô Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến cho hay, những thông tin này đang được các cấp thẩm quyền điều tra, làm rõ nên chưa thể cung cấp gì thêm.
Nhiều héc ta đất rừng thanh lý cũng bị tư nhân hóa
Ngoài khu đất 19,6 ha nêu trên, qua tìm hiểu thông tin từ quần chúng Nhân dân, chúng tôi còn phát hiện nhiều diện tích đất do Nhà nước quản lý cũng đã được cấp quyền sử dụng cho tư nhân.
Cụ thể, thửa đất diện tích 36.820,1 m2 được UBND TP.Phan Thiết cấp GCNQSDĐ cho ông N.H.B. năm 2018 và thửa đất diện tích 46.759,5 m2 được cấp GCNQSDĐ cho bà N.T.T. năm 2017 đều bị chồng lấn lên khu đất 90 héc ta đất rừng thanh lý do Nhà nước quản lý.
Cả 2 thửa đất của ông B. và bà T. đều thuộc Khu phố 4, phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết. Qua rà soát, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú cho biết, có đến 6,8 héc ta đất thuộc khu 90 héc ta đất rừng thanh lý đã được cấp quyền sử dụng cho ông B. và bà T.
Được biết, năm 2007, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 1445/QĐ-UBND về việc thanh lý 1.325,6158 héc ta đất rừng trồng bị chết, trong đó, có 90 héc ta đất rừng nêu trên. Diện tích 90 héc ta này cũng được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng theo quyết định số 674/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận ngày 13/3/2007.
Theo đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú, tại Quyết định số 674/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo thủ trưởng đơn vị chủ rừng và Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp tục quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trong thời gian chưa được chuyển mục đích mục đích sử dụng đất sang mục đích khác hoặc chưa có quyết định thu hồi.
Đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú chưa nhận được thông tin, hồ sơ của cơ quan thẩm quyền liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích khác, với khu 90 héc ta nói trên.
Mặc dù vậy, hiện nay nhiều diện tích thuộc khu 90 héc ta đất rừng thanh lý trên đã được cấp quyền sử dụng cho một số cá nhân và đã được các cá nhân này chuyển nhượng sang cho nhiều người khác.
Ngoài ra, nhiều diện tích khác thuộc 90 héc ta này cũng đã được một số hộ dân nộp hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ nhưng chưa được xét duyệt. Tại các diện tích này, người dân đã tự ý cắm cọc xác định ranh giới và tiến hành trồng một số loại cây lâu năm. Được biết, việc này nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ xét nguồn gốc sử dụng đất để cấp GCNQSDĐ.
Như vậy, có thể khẳng định, việc mua bán, sang nhượng đất đai nêu trên đã bộc lộ nhiều sai phạm. Tuy nhiên, các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Điều này khiến dư luận đang hoài nghi, có hay không sự dung túng cho những tập thể, cá nhân làm trái quy định pháp luật...