Kế hoạch nêu rõ, giai đoạn từ 2022 - 2025, tỉnh Bình Phước áp dụng chuẩn nghèo mới theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (chuẩn nghèo tăng gấp đôi so với giai đoạn trước), do vậy cần nguồn lực lớn để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu.
Năm 2023 là năm giữa của chương trình, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Công tác giảm nghèo được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Giảm nghèo bền vững được xác định là một trong 13 Chương trình trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền còn có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và sự ủng hộ của các cơ quan,doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác giảm nghèo bền vững.
Bình Phước có 3 huyện biên giới, đường biên giới dài 258,939 km, có 5 xã đặc biệt khó khăn, 25 thôn đặc biệt khó khăn, 03 xã thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Tại các khu vực này, mật độ dân cư thưa, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên cần nguồn lực lớn để hỗ trợ. Bên cạnh đó việc huy động nguồn lực để thực hiện chươngtrình cũng gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu chung là tiếp tục thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo sinh kế để hỗ trợ người nghèo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch cũng xác định các chỉ tiêu cụ thể như sau: giảm 2.000 hộ nghèo (tương ứng với giảm 0,7% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới), trong đó giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (tương ứng 2% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số); đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.
Bên cạnh đó, mục tiêu của kế hoạch là đảm bảo 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ giảm nghèo. Ngoài ra, các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện theo quy định sẽ được thụ hưởng các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững.
Kế hoạch cũng đề ra các nội dung hoạt động; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và trách nhiệm của các ngành, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện./.