Những ngày cuối năm, tại xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, giá thu mua quýt đường của thương lái đưa ra cho các nhà vườn từ 10.000-12.000 đồng/kg (loại 1), loại xô (mua toàn vườn) từ 7.000-8.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều nhà nông lo lỗ vốn đầu tư.
Nhiều năm nay, cây quýt đường đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Lương Minh Tờ ở ấp 8, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài. Tuy nhiên, ông cho biết đây là lần đầu tiên giá quýt giảm sâu đến vậy. Hiện nay, dù quýt đã chín rộ cả vườn, nhưng chỉ ít hộ có thương lái vào thu mua với giá chỉ bằng nửa năm ngoái. Không ít gia đình loay hoay tìm đầu ra và chờ giá tăng. “Bán thì lỗ, không bán không được vì quýt đường không bảo quản được lâu như các loại trái cây khác”, ông Tờ nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Oanh, ở ấp 8, xã Tân Thành cho biết, vụ mùa năm trước, 2ha quýt đường, gia đình bà thu về 25 tấn trái, với giá dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Bước vào vụ năm 2018, dù vườn quýt đã chín, trái to đẹp, nhưng thương lái giao dịch chỉ mua với giá bằng một nửa so với năm ngoái. Sợ lỗ vốn nên vườn quýt đang được gia đình bà cho hãm chín để chờ giá lên rồi bán. Tuy nhiên, theo bà Oanh việc này cũng không làm lâu dài, vì trái quýt chín mọng không bán kịp cũng bị hao hụt do trái chín bị rụng.
Ông Bùi Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn xã có khoảng 180ha quýt đường, trong đó khoảng 150ha đang cho thu hoạch. Hiện giá giảm một phần là do những năm trước, quýt đường cho thu hoạch cao nên diện tích ở xã Tân Thành cùng với nhiều nơi mở rộng khiến cung vượt cầu.
Không chỉ người dân tại xã Tân Thành mà các nhà vườn trồng quýt khác trên địa bàn thị xã Đồng Xoài cũng lâm vào cảnh điêu đứng vì giá cả xuống thấp.
Ông Phạm Ngọc Thâu (ngụ tại phường Tiến Thành) trồng 3ha quýt đường từ 5 đến 10 năm tuổi. Những năm trước, vườn quýt của ông Thâu có thể thu từ 25-35 tấn trái. Thương lái từ Hà Nội đánh xe vào tận vườn thu mua với giá bình quân từ 25.000-30.000 đồng/kg, mang về lợi nhuận cả tỷ đồng. Nhưng năm nay, giá cả xuống thấp cộng với vườn quýt bị bệnh nấm khiến quýt bị vàng cuống, chín sớm khiến năng suất giảm xuống còn 1/3 so với mọi năm.
Những năm trước, quýt đường là loại cây mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân, được nhiều hộ chọn là cây trồng bền vững. Với giá bán hiện nay, các nhà vườn cho rằng, thu không đủ bù chi phí. Do vậy, nhiều nhà vườn đã bỏ mặc, không chăm sóc khiến quýt rụng đầy gốc. Vì vậy, rất cần sự định hướng, khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp đối với nhà nông lúc này.
N.HUYỀN ( T/H )