Tại Họp báo, lãnh đạo tỉnh Bình Định thông tin về một số kế hoạch, chương trình tỉnh đang thực hiện nhằm giúp tỉnh có nguồn thu ổn định, bền vững hơn. Trong đó, địa phương tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, hướng tới dây chuyền sản xuất, xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng tiêu biểu có giá trị lớn.
Đối với Dự án Khu đô thị Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa, triển khai nhiều năm nhưng hiện nay vẫn là khu đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Hiện tỉnh đã kết nối được với nhà đầu tư, đang tập trung tháo gỡ. Trước mắt, Bình Định sẽ giải quyết dứt điểm “dây dưa” từ lịch sử để lại, nhằm sớm “hồi sinh” Dự án, trở thành động lực phát triển của Tp. Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Trong 3 năm tới sẽ đầu tư xong khu đô thị này.
Tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí quan tâm nhiều đến Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định).
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Anh Tuấn thông tin về tình hình, nội tại phát triển địa phương này và khẳng định tỉnh đang tập trung thu hút các dự án lớn để tạo động lực dẫn dắt kinh tế tỉnh phát triển. Trong đó, Dự án gang thép Long Sơn được tỉnh xác định là dự án động lực, có vai trò dẫn dắt. Khi Dự án đưa vào hoạt động sẽ giúp tỉnh nâng cao nguồn thu ngân sách, tạo việc cho người dân và kéo theo dự án phụ trợ cùng phát triển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn có tổng số vốn đầu tư 56.000 tỷ đồng. Dự kiến Dự án di dời trên 560 hộ dân ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn). Hiện Dự án mới bắt đầu có chủ trương, tỉnh chỉ mới chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát, thực hiện dự án sau đó mới trình lên các bộ, ngành Trung ương thẩm duyệt và trình Chính phủ quyết định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, Dự án thép Long Sơn là một trong các dự án lớn mà tỉnh đặc biệt quan tâm bởi tính hiệu quả, cũng như lợi ích mà Dự án mang lại. Tuy nhiên, Dự án muốn “qua cửa” tỉnh, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng cần đạt các yêu cầu về công nghệ phải hiện đại; bảo đảm không ô nhiễm môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử; người dân vùng dự án dời đi bảo đảm có chỗ ở, đời sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ và họ có sinh kế bền vững lâu dài...
“Tỉnh sẽ không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Sau khi Dự án đạt các yêu cầu trên, thì tỉnh Bình Định mới có cơ sở để hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ quyết định”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định.