Nhìn lại năm 2017 để thấy, lượng tiêu thụ bia các loại cả nước đạt hơn 4 tỷ lít. Ấy là theo thống kê của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam.
Trong khi đó, mức “trần” sản lượng bia các loại do Bộ Công Thương đặt ra là đến năm 2020 sẽ đạt 4,1 tỷ lít. Nếu tính từ năm 2017 thì đến năm 2020 vẫn còn 3 năm nữa, vậy mà sản lượng tiêu thụ đã gần “kịch trần”.
Tiêu thụ nhiều có giúp cho ngân khố quốc gia được bồi đắp hay không? Đáng tiếc, có lẽ là chưa, hoặc là không. Với tình trạng sử dụng bia ngày càng tăng, người Việt đang tự hại chính mình; kéo theo là gánh nặng cho chính sách an sinh xã hội khi bia-rượu là một phần nguyên nhân của bệnh tật, của tai nạn giao thông,…
Nhưng đó chỉ là mới xét về mặt xã hội. Còn ở khía cạnh kinh tế, người Việt đang uống bia để… trả nợ giúp doanh nghiệp.
Nhìn lại để rõ, cuối năm 2017, nhân Nhà nước thoái vốn tại Sabeco, một doanh nghiệp Thái Lan đã chi 5 tỷ đô la để mua lại 50% cổ phần. Những tưởng số tiền đó là khoản thu đáng phấn khởi. Nhưng việc mua bán này lại theo chiều hướng khác. Doanh nghiệp nước ngoài này cho một doanh nghiệp trong nước vay 5 tỷ đô la để mua cổ phần Sabeco.
Điều này có nghĩa, đây là khoản nợ nước ngoài phải trả. Và cách trả sẽ tính trên mỗi lít bia tiêu thụ được. Người Việt càng uống nhiều thì càng giúp doanh nghiệp trả nợ sớm.
Vậy là khuyến khích tiêu thụ bia; cộng với thói quen vui uống, buồn uống, không vui, không buồn cũng uống. Bia dạt dào hơn khi trái bóng World Cup vẫn đang lăn.
Chẳng mấy ai biết, hoặc quan tâm, mỗi cốc bia đang uống là một cốc bia…nợ!.
SỸ HÀO