Giá nhà, đất tiếp tục tăng
Báo cáo vừa công bố của Bộ Xây dựng cho biết giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng với tỷ lệ bình quân khoảng 3% so với cuối năm 2021. Tại Hà Nội, giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5%, cao hơn so với TP. Hồ Chí Minh, hiện tăng ở mức khoảng 1-2%.
Không chỉ có giá chung cư tại hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng giá, mà thị trường bất động sản (BĐS) nói chung sốt giá chóng mặt. Đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, 4 tháng nay thị trường nhà đất nóng ở nhiều nơi, giá tăng nhưng thanh khoản không tương xứng, có dấu hiệu xuất hiện bong bóng giá. Đất nền nhiều huyện nông thôn tăng giá gấp 2-3 lần so với cùng kỳ, có nơi tăng giá 30-50% chỉ trong một quý.
Tại nhiều địa phương, BĐS vốn đã sôi động nhờ nhiều sóng thì nay bước vào nhịp mới. Chẳng hạn huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà là điển hình. Chị N.Phương, một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp tại Hà Nội mới đây chia sẻ, nhà đầu tư nào mua đất cuối 2021, đầu năm 2022 thì nay đã có thể có lời lớn.
Hồi cuối tháng 12/2021, chị đã đầu tư một lô đất 800 m2, giá khoảng 25 triệu đồng/m2 ở ngay trong một dự án đấu giá đất. Về cơ bản hạ tầng đã xong xuôi, nên chị cũng yên tâm chờ có lời là bán. Ngoảnh đi ngoảnh lại đến cuối tháng 3/2022 có nhiều khách hàng gọi và trả lên tới 33-35 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhận định thị trường vẫn còn cơ hội tăng giá nên chị chưa bán.
Huyện Cam Lâm là một trong những “điểm nóng” về BĐS của Khánh Hòa, từng nhiều lần xảy ra sốt đất cục bộ. Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, quý I/2022, lượng tin đăng bán online của đất và sản phẩm gắn liền với đất ở Cam Lâm đã tăng mạnh so với quý I/2021. Trong quý I/2022, giá rao bán trung bình đất nền Cam Lâm rơi vào khoảng 9 triệu đồng/m2, giá đất nền dự án là 25 triệu đồng/m2; biệt thự, liền kề được rao bán ở mức 40 triệu đồng/m2.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có quy định mới về kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. UBND tỉnh này yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng (đối với khu vực đô thị) hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn (đối với khu vực nông thôn) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điểm qua một vài địa phương khác cũng cho thấy, giá đất đang trong guồng tăng. Ông Nguyễn Đình Bảy (72 tuổi) rao bán có mảnh đất 200 m2 tại Văn Giang, Hưng Yên cho biết, liên tiếp thời gian gần đây có nhiều người điện thoại đến hỏi ông thông tin về mảnh đất. Ông Bảy cũng chia sẻ thông tin, tuần trước người mua trả một giá, tuần sau có người khác trả giá khác cao hơn, nên muốn nghe ngóng thêm thị trường như thế nào. Ngoài ra, ông Bảy cũng tin tưởng đất Văn Giang đang có giá.
Theo lời một người kinh doanh BĐS, từ khi tập đoàn Vin Group ra mắt khu đô thị ở Hưng Yên, đất Hưng Yên liên tục được săn lùng. Chị N.T.V.Y., Trưởng văn phòng công chứng ở khu vực Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay số lượng giao dịch BĐS tăng nhanh ở khu vực này. Trước dịch, chỉ có khoảng 9-10 giao dịch/ngày, nay tăng lên 15-16 giao dịch/ngày.
Trở lại với báo cáo của Bộ Xây dựng thông tin nhà ở và thị trường BĐS quý I cũng cho tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… có hiện tượng giá đất tăng nhanh. Một số nơi mức giá tăng 15-20% so với cuối năm 2021 (tương tự cuối quý I đầu quý II/2021, tuy nhiên mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn).
Bộ Xây dựng đánh giá nhà ở, đất ở đang tăng cao so với thu nhập của người dân. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hầu như không còn căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2.
Nhiễu loạn thị trường
Bộ Xây dựng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá nhà đất tăng cao là “có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS.
Điều này chứng tỏ hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chưa được quản lý tốt. Ngoài ra, việc tách thửa, phân lô bán nền tại một số địa phương chưa theo quy định của pháp luật, tạo cơ hội cho hành vi đầu cơ, đẩy giá BĐS lên cao nhằm trục lợi.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều cò đất đã sử dụng các thông tin đất đai không đúng để trục lợi. Mới đây, đại diện sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cho biết, qua rà soát, phát hiện một số ứng dụng, trang thông tin điện tử sử dụng dữ liệu bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh để tra cứu thông tin đất đai, thu phí người sử dụng, chạy quảng cáo. Song, đáng chú ý các dữ liệu này không có cơ sở pháp lý, không phải do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp.
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam lưu ý giá BĐS tăng quá cao cũng làm ảnh hưởng đến sự hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài trong việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Khi lạm phát, phân khúc BĐS thương mại cũng phải đẩy giá dịch vụ, trong khi khả năng chi trả của doanh nghiệp còn hạn chế sau đại dịch Covid-19.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, việc sốt đất do hàng loạt những nguyên nhân như đây là giai đoạn năm đầu của một kỳ quy hoạch mới, nhiều ý tưởng về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng đã được đề xuất.
Một số quy hoạch mới như TP. Thủ Đức, thành phố biển Cần Giờ tại TP. HCM, thành phố phía Bắc, thị xã Sơn Tây, thành phố Sông Hồng tại Hà Nội và nhiều quyết định tăng đầu tư công cho các tuyến cao tốc huyết mạch.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giảm đáng kể đến thu nhập của người dân. Trong khi lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng chỉ ở mức 4%, gần ngang với tỷ lệ lạm phát cơ bản được phép, do đó nhiều người nghĩ tới giải pháp đầu tư vào bất động sản để tăng thu nhập.
Ngoài ra, giới đầu cơ, cò mồi đất vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu loạn thông tin, tung tin thất thiệt về quy hoạch, tạo nên những cơn sốt đất ảo để lôi kéo mọi người tung tiền vào mua đất.
Một nguyên nhân khác khá đáng kể là hiện nay thị trường bất động sản đang thiếu cung, nhiều dự án BĐS đang nằm chờ phê duyệt nhưng không thể phê duyệt do pháp luật liên quan chưa được sửa kịp thời. Quốc hội và Chính phủ cũng đã khá tích cực trong việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, các luật có liên quan đến quy hoạch phát triển,… nhưng có 2 Luật gốc mang tính cơ bản là Luật Đất đai và Luật Quy hoạch đô thị lại chưa được sửa. Ách tắc vẫn nằm yên đó, các dự án vẫn tiếp tục chờ và thiếu cung trên thị trường bất động sản vẫn đang tồn tại...
Theo khảo sát của nhiều công ty tư vấn và các chuyên gia trong ngành, giá BĐS đã ghi nhận mức tăng khá nhanh trong quý I-2022 và dự kiến sẽ tiếp tục xu thế tăng ở các quý tới. Một trong những nguyên nhân tạo đà tăng cho giá nhà ở là do khan hiếm nguồn cung, giá đất, chi phí vật liệu tăng, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài. Cùng đó, trong quý I, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như thép, xi măng đều tăng mạnh và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Giao dịch không tăng
Nhìn nhận chung từ giới chuyên gia đều cho rằng giá nhà đất tăng vì thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân trong bối cảnh lạm phát đang trở thành mối lo ngại của giới đầu tư. Nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn tăng lên. Khi nhu cầu đất nền tăng, giá bán vì vậy cũng vọt lên theo. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là giá BĐS tăng nhưng các giao dịch thành công không nhiều, càng làm dấy lên bong bóng BĐS.
Anh Luân Nguyễn, một môi giới BĐS chuyên hoạt động ở một vài dự án trên đường Tố Hữu - Hà Đông, Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay anh đăng bán thông tin hơn 10 căn hộ, với mức giá dao động từ 2,1 tỷ đến 3,2 tỷ nhưng chưa có căn hộ nào được chốt bán. “Nhiều người cũng thiện chí đi xem nhưng không ai chịu xuống tiền” - anh Luân nói.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội phân tích, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng giá bất động sản được dự báo sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay, thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý.
Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém.
Theo ông Đính, quả thực nguồn cung đang rất khan hiếm, nắm được tình trạng này nhiều môi giới, đầu cơ cứ tiếp tục đẩy giá lên, nhưng nhiều chỗ đẩy giá quá cao sẽ không có người mua.
Những người có nhu cầu ở thực đều tìm kiếm những khu giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín. Do đó, những dự án đáp ứng được tiêu chí về giá cả, pháp lý thì vẫn sẽ có thanh khoản tốt.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay, thị trường BĐS đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội. Đây là 2 loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị. Do thiếu nguồn cung trong lúc tổng cầu rất lớn nên đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.
Hiện giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở. Trong khi ở các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Theo HoREA để kéo giảm giá nhà ở trên thị trường BĐS thì phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở. Mà muốn làm được điều này thì trước hết phải tháo gỡ một số “vướng mắc, bất cập” của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất đa dạng từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội./.