Theo báo cáo của UBND huyện Nam Giang, địa phương đã và đang triển khai thực hiện các chính sách giao khoán BVR của Chính phủ. Theo đó, huyện đã giao khoán BVR chủ yếu tại 2 điểm có diện tích rừng lớn, là Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Cụ thể, theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nam Giang đã thực hiện giao khoán đến 210 nhóm hộ, 1 cộng đồng (3.100 hộ gia đình) và các ban quản lý rừng tự bảo vệ, với tổng diện tích 75.357ha. Chi trả giao khoán chỉ tính riêng năm 2017 là hơn 10,6 tỷ đồng. Còn theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về bảo vệ phát triển rừng gắn giảm nghèo nhanh bền vững hỗ trợ đồng bào dân tộc, chính quyền các xã, thị trấn đã giao khoán cho cộng đồng dân cư quản lý BVR với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện chủ trương giao khoán BVR tại địa phương đang gặp nhiều bất cập. Theo bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, đơn giá của các chính sách có sự chênh lệch khá lớn như Nghị định 99 là 180 nghìn đồng/ha/năm, Nghị định 75 là 400 nghìn đồng/ha/năm, trong khi Quyết định 24 (chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020) chi 100 nghìn đồng/ha/năm.
Cơ quan kiểm lâm cơ cấu lực lượng giữ rừng cũng không phù hợp. Bà Như nêu rõ: “Ở các địa phương như Phước Sơn-Hiệp Đức quản lý 165.021ha rừng, được bố trí đến 24 cán bộ kiểm lâm địa bàn (KLĐB); Đông Giang-Tây Giang quản lý 173.553ha có 21 KLĐB; trong khi đó huyện Nam Giang quản lý 184.659ha chỉ có 12 KLĐB”.
Cũng theo bà Như, sự bất hợp lý trên là do cơ quan chủ quản bố trí KLĐB theo đơn vị hành chính cấp xã, chứ không theo diện tích rừng. Chiếu theo quy định thì, 1 công chức kiểm lâm của địa phương quản lý 15.400ha rừng tự nhiên, gấp 30 lần so với quy định (mỗi công chức kiểm lâm quản lý tối đa 500ha). Đơn giá giao khoán BVR không phù hợp, chưa có sự đồng nhất. Trên cùng một khu vực thôn, xã nhưng thực hiện chính sách khác nhau, có đơn giá chi trả chênh lệch rất cao khiến người dân so đo quyền lợi.
Một vướng mắc khác là kinh phí chi trả DVMTR hằng năm rất chậm. “Chẳng hạn đến ngày 31/5 hằng năm, mới thanh toán được số tiền của đợt 3 năm trước và đợt 1 của năm; đến ngày 31/11 hằng năm mới thanh toán đợt 2 làm cho hộ nhận khoán rất khó khăn. Thêm vào đó, nhu cầu khai thác gỗ trong rừng đặc dụng, phòng hộ làm nhà cho người dân theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh gây lúng túng cho công tác quản lý ở địa phương”, bà Như chia sẻ thêm.
Trước nhiều bất cập về thực hiện cơ chế, chính sách giao khoán BVR, huyện Nam Giang đề xuất kinh phí chi trả đến nhóm hộ BVR cần triển khai theo quý để người dân có nguồn kinh phí kịp thời cho các hoạt động tuần tra; đồng nhất kinh phí chi trả giữa các chính sách giao khoán rừng.
Riêng đối với diện tích rừng sản xuất thực hiện giao khoán theo NĐ 99/2010/NĐ-CP có đơn giá thấp hơn Nghị định 75/2015/NĐ-CP, chính quyền huyện kiến nghị chi trả 2 chính sách trên cùng một diện tích hoặc chuyển qua giao khoán theo 75/2015/NĐ-CP để nâng cao kinh phí giao khoán cho dân. Cạnh đó, cơ quan kiểm lâm cần quyết liệt đổi mới phương thức giao khoán từ nhóm hộ sang thành lập các tổ BVR cộng đồng thôn với các nơi chưa triển khai tốt việc BVR; thành lập quỹ BVR cấp xã...
Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, đến nay có 6 huyện đã báo cáo đề án thực hiện giao khoán BVR theo Nghị định 75 gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Đại Lộc, Phước Sơn, Quế Sơn và Duy Xuyên. Theo đó, diện tích rừng giao khoán hơn 40.692ha và đề xuất thêm diện tích giao khoán gần 4.000ha rừng tự nhiên. UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành nông nghiệp điều chỉnh Nghị định 75/2015/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 cho phù hợp với từng địa phương.Thành Nhân