Dân tộc Mảng hiện có khoảng gần 5.000 người và chỉ sinh sống duy nhất tại tỉnh Lai Châu. Do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mảng hiện nay đang dần bị mai một. Từ thực tế đó, để bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc dân tộc Mảng, cấp ủy chính quyền địa phương cùng người dân đã cùng chung tay phục dựng, nhằm lan tỏa văn hóa người Mảng để nhiều người biết đến.
Trên địa bàn huyện Nậm Nhùn hiện có 740 hộ với 3.416 nhân khẩu là người dân tộc Mảng sinh sống tại 5 xã, với 15 bản. Người Mảng tại Nậm Nhùn cũng có ngôn ngữ riêng, có văn hoá đặc sắc như hát, múa, đàn, sáo và có các nghề tiểu thủ công như rèn đúc, nghề mộc, nghề dệt vải, đan lát….
Xã Trung Trải, huyện Nậm Nhùn có 6 bản với 337 hộ, hơn 1.770 nhân khẩu. Xã có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông và dân tộc Mảng, trong đó dân tộc Mông chiếm 58,2%, dân tộc Mảng chiếm 39,7%, Đối với người dân tộc Mảng ở nơi đây, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên đã góp phần hình thành nên một hệ thống các nghi lễ nông nghiệp.
Ông Sùng Thải Sinh- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Trải, cho biết: Trên địa bàn xã lễ hội “Mừng Lúa mới” (Chi lê xa sả lảm mể) được diễn ra sau khi đã thu hoạch để tạ ơn tổ tiên, thần linh. Đây là một những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Mảng vẫn được lưu giữ theo truyền thống của đồng bào dân tộc.
Ngày nay, Lễ Mừng Lúa mới của người Mảng tại bản Nậm Sảo 1 vẫn được duy trì tổ chức với ý nghĩa tạ ơn ông bà, tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho cây trồng tốt tươi, không sâu bệnh phá hoại, chim, sóc, thú rừng phá, mùa màng mới được bội thu, cuộc sống ấm no, đầy đủ và hạnh phúc như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp khác.
Bà Lý Thị Chướng, Bản Nậm Sảo 1, xã Trung Trải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: Sau khi lúa thu hoạch về sẽ được phơi khô, rồi cả bản sẽ nấu cơm mới để cúng thần linh với ý nghĩa tạ ơn trời đất, tổ tiên đã cho một mùa màng bội thu, tốt tươi.
Cũng theo bà Lý Thị Chướng, để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này, trước đó một tháng, đại diện các gia đình cùng với trưởng bản, thầy cúng sẽ họp bàn, thống nhất từ việc đóng góp lễ vật cho thầy cúng thực hiện mâm lễ cúng thần linh, ma bản, đến việc chuẩn bị lương thực thực phẩm cho buổi liên hoan chung của bản và phân công tham gia các hoạt động của phần hội như múa, hát, các trò chơi dân gian trong những ngày lễ.
Đồng bào Mảng quan niệm, đến ngày tổ chức lễ mâm lễ càng đầy, càng nhiều sản vật thì càng thể hiện được sự no đủ, phát đạt của gia đình. Ngoài những đồ dâng lễ, các gia đình cũng chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống của dân tộc để tham gia nghi lễ.
Quá trình làm lễ cúng kết thúc, thầy cúng sẽ thay mặt dân bản xin phép các thần linh để được dùng những đồ dâng lễ. Sau đó, mâm cúng được chia đều cho mọi người cùng uống rượu mừng, tất cả đều phải vui vẻ chúc mừng cho nhau mạnh khỏe, vạn sự tốt lành, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
Có thể nói rằng, phần lễ bao giờ cũng linh thiêng, trang nghiêm và huyền bí, còn phần hội lại rất tưng bừng vui tươi và cuốn hút mọi người cùng tham gia. Đây cũng là ngày hội đoàn kết của toàn cộng đồng dân tộc, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, để chung sức xây dựng và phát triển bản làng.
Được trực tiếp tham gia lễ hội “Mừng lúa mới” chị Lý Thị Yên người dân tộc Mảng, bản Nậm Sảo 1, xã Trung Trải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu phấn khởi cho biết: Trước đây, việc tổ chức nghi lễ "gọi hồn lúa" vẫn được tổ chức và việc tô chức "Ăn lúa mới" chỉ được tổ chức theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình. Nhưng năm nay là năm đầu tiên tôi cùng nhân dân đồng bào dân tộc Mảng được tham gia lễ mừng lúa mới, đây thực sự là lễ hội lớn của người dân tộc Mảng chúng tôi. Tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc bởi lễ mừng lúa mới truyền thống của người Mảng đã được quan tâm khôi phục lại. Từ việc khôi phục tổ chức cũng sẽ giúp cho người dân tộc Mảng chúng tôi giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.
Cùng với đó, nhằm góp phần tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của người DTTS, góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc, trong thời gian qua Phòng Văn hoá và thông tin huyện Nậm Nhùn đã tổ chức chương trình Tuyên truyền phục vụ công tác bảo tồn lễ hội "Mừng lúa mới" (Chi lê xã sả lảm mể) dân tộc Mảng, huyện Nậm Nhùn tại các xã Nậm Pì, Nậm Ban, Hua Bum và Nậm Hàng. Tại chương trình, người dân là đồng bào DTTS đã được cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn thông tin về công tác bảo tồn lễ hội "Mừng lúa mới" (Chi lê xã sả lảm mể) dân tộc Mảng, huyện Nậm Nhùn thông qua các tờ gấp được bàn giao cho UBND các xã; trưng bày 96 ảnh mô tả quá trình chuẩn bị cho Lễ mừng lúa mới; Tiến trình Nghi lễ “Gọi hồn lúa” để mang lúa vềnhà; Tiến trình Lễ hội “Mừng lúa mới”; Tổ chức Phần hội; trưng bày 35 trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mảng; trình chiếu phóng sự dài 30 phút ghi lại quá trình của lễ hội, phỏng vấn người dân, nghệ nhân, người tham gia lễ hội, phỏng vấn lãnh đạo phòngvăn hóa và Thông tin về công tác bảo tồn lễ hội, các nhiệm vụ, giải pháp cho việc bảo tồn, phương hướngtrong thời gian tới.
Như vậy, cùng với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đồng bào dân tộc Mảng ở huyện Nậm Nhùn ngày càng nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống. Đặc biệt, việc tái hiện lại lễ hội “Mừng Lúa Mới” là việc làm cần thiết để cụ thể hóa việc bảo tồn, nhằm phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc cho đồng bào dân tộc Mảng thuộc Dự án 9 "Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn" (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030).