Chúng tôi ghé nhà Mí Nga, một trong những người lớn tuổi nhất ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hà vẫn còn theo nghề dệt thổ cẩm.
Vừa đưa đôi bàn tay thoăn thoắt trên khung dệt, Mí Nga cho hay: Từ thời xa xưa, cuộc sống của những người đàn ông Ê-đê chủ yếu xoay quanh công việc làm rẫy, săn bắt, hái lượm, còn người phụ nữ luôn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.
Ngày nay, các trào lưu thời trang du nhập vào đã làm giới trẻ dần quên đi trang phục của dân tộc mình. Do đó, những bộ trang phục thổ cẩm chỉ còn xuất hiện thưa thớt trong những lễ hội.
Theo Mí Nga, nguyên nhân là do sự phát triển của ngành công nghiệp dệt hiện đại, đồng bào DTTS dần thay những bộ quần áo thổ cẩm bằng quần jeans, áo sơ mi nên cũng vì lẽ đó, trước những thềm nhà của đồng bào người Ê-đê vắng dần đi hình ảnh người phụ nữ bên khung dệt.
Trao đổi với chúng tôi về nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ê-đê, ông Kpá Y Khương, cán bộ Văn hóa-Thông tin xã Suối Trai trăn trở: Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, là niềm tự hào của người Ê-đê.
Nhưng bây giờ, số lượng người biết dệt giảm đi rất nhiều bởi ruộng vườn, nương rẫy đã chiếm hết thời gian của mọi người. Người lớn thì tập trung đi làm kinh tế, còn lớp trẻ thì tập trung hết vào học hành nên nhiều phụ nữ, nhất là những người trẻ không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm nữa.
Được biết, hiện số lượng nghệ nhân biết dệt thổ cẩm của người Ê-đê ở huyện Sơn Hòa còn rất ít. Phần lớn họ đều đã cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy lại nghề cho con cháu.
Thế hệ phụ nữ trẻ của đồng bào dân tộc Ê-đê chưa nhận thức rõ được giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thổ cẩm nên hầu như không biết và không quan tâm đến nghề dệt.
Đứng trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm dần mai một, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Suối Trai phối hợp với Ban Văn hóa-Thông tin xã tổ chức Hội thi Dệt thổ cẩm xã Suối Trai lần thứ nhất năm 2017.
Hội thi nhằm khôi phục nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ê-đê trên địa bàn xã và kêu gọi các nghệ nhân hãy gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Ông Kpá Y Hôn, Chủ tịch UBND xã Suối Trai cho biết: Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, địa phương cũng rất quan tâm, khuyến khích các gia đình, nhà trường tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, xã còn tổ chức các hội thi, hội diễn tạo cơ hội cho chị em tham gia để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc được nhiều người biết.
Theo ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sơn Hòa, trước đây, huyện cũng đã lập làng nghề ở một số địa phương, nhưng vì nhiều yếu tố nên làng nghề chưa ổn định và phát triển. “Qua Hội thi dệt thổ cẩm xã Suối Trai, chúng tôi phát hiện có chị em có tay nghề vững.
Thời gian tới, huyện Sơn Hòa tìm cách xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm bền vững, gắn với du lịch để những sản phẩm thổ cẩm trở thành món quà lưu niệm có giá trị cho du khách đến địa phương, giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân”, ông Tình thông tin.
ĐẠT THÀNH NHÂN