Theo đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống Bảo tàng tại các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra trong tình hình hiện nay, Bộ VHTTDL đề nghị các Sở, các bảo tàng triển khai xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động Bảo tàng.
Cụ thể, các Sở chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các bảo tàng trực thuộc thực hiện công tác chuyển đổi số. Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng viên chức của Bảo tàng về công nghệ mới và giới thiệu các ứng dụng công nghệ có thể áp dụng tại bảo tàng.
Các Bảo tàng xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số. Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số.
Về xây dựng chương trình phối hợp với Ngành giáo dục và đào tạo địa phương tổ chức các chương trình ngoại khóa, tham quan cho học sinh, sinh viên tại các Bảo tàng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, tìm hiểu lịch sử dân tộc, thấm nhuần tư tưởng của Bác "Dân ta phải biết sử ta", Bộ VHTTDL yêu cầu, các Sở chủ trì xây dựng, ký kết chương trình phối hợp với các Sở GD&ĐT về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học để chỉ đạo các bảo tàng và các trường trên địa bàn phối hợp triển khai. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục của bảo tàng, nhằm thực hiện hiệu quả việc sử dụng di sản văn hóa trong giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
Các Bảo tàng chủ động và linh hoạt trong phối hợp với các trường trên địa bàn để đưa học sinh đến với bảo tàng và di sản văn hóa đến với học đường theo cách tiếp cận mới. Cụ thể: Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp. Đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng như: tổ chức tham quan, trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa, nói chuyện chuyên đề hoặc giới thiệu trực tuyến về di sản văn hóa. Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường trong việc lựa chọn, đưa các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian… vào các chương trình ngoại khóa và kết nối, mời nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ./.