Đây là hoạt động thực hiện theo Nội dung số 1, Tiểu dự án 2, Dự án 5: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I, từ năm 2021-2025, năm 2024. Lớp học nhằm mục đích nâng cao nhận thức quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa DTTS, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc với đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Hai lớp học dạy tiếng Ê Đê gồm có 120 học viên. Nội dung lớp học được thực hiện theo Thông tư số 09/2023/TT-BGDDT, ngày 18/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng DTTS.
Phát biểu tại Lễ khai giảng tại huyện Cư M’gar, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Kính cho biết: Bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, không chỉ để thực hiện việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là điều kiện cần thiết để thực hiện tốt các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS.
Tỉnh Đắk Lắk có đông đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống, nắm vững ngôn ngữ của người Ê Đê sẽ giúp các cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ hơn về đời sống, tập quán của người dân địa phương, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, triển khai các chương trình, chính sách.
Khóa học sẽ cung cấp cho cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào DTTS có thêm công cụ hữu ích để làm việc hiệu quả hơn, đặc biệt là trong quá trình tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS.
Trưởng Ban Dân tộc cũng bảy tỏ mong muốn các học viên cố gắng nỗ lực, nghiêm túc tiếp thu kiến thức, cùng nhau thực hành để hoàn thành chương trình với kết quả cao nhất. Các thầy cô giáo nhiệt tình giảng dạy, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các học viên có thể nắm vững ngôn ngữ và vận dụng vào công việc thực tế.