Với đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, niềm vui còn lớn lao hơn khi góp vào kỳ tích lần đầu tiên tuyển Việt Nam có mặt ở trận đấu cuối cùng của một giải bóng đá châu lục có công sức của những chàng trai người DTTS sinh ra và lớn lên ở những vùng quê nghèo khó.
Với niềm đam mê cháy bỏng, sự hồn hậu và phóng khoáng của người miền núi, họ đã và sẽ thổi một luồng gió mới cho nền bóng đá nước nhà.
“Trụ đồng” nơi khung gỗSau trận cầu kịch tính và loạt sút luân lưu cân não, tuyển U23 Việt Nam đã xuất sắc đánh bại U23 Qatar, đối thủ nặng ký nhất cho chức vô địch giải U23 châu Á 2018. Trong đó, với hai pha cản phá penanty thành công, thủ môn Bùi Tiến Dũng trở thành người hùng của cả dân tộc khi giúp U23 lần đầu tiên vào chơi một trận chung kết của một giải trẻ châu Á.
Không phải đến bây giờ người hâm mộ mới biết đến Bùi Tiến Dũng, chàng trai dân tộc Mường, sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Bào, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hoá). Ở vòng chung kết U19 châu Á 2016, Bùi Tiến Dũng là nhân tố thầm lặng trong chiến tích giành vé dự U20 thế giới 2017, diễn ra từ 20/5-11/6/2017.
Trong các trận đấu của tuyển U20 Việt Nam ở vòng chung kết U20 thế giới 2017, nếu nói ai chơi già dặn, lì lợm và ổn định nhất ở U20 Việt Nam, Bùi Tiến Dũng phải là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã chọn anh là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu giữa U20 Việt Nam và U20 New Zealand, diễn ra ngày 22/5/2017.
Âm thầm rèn luyện, qua từng trận đấu, giải đấu, “người nhện” Bùi Tiến Dũng từng bước trưởng thành. Không ngoa khi nói Dũng đã và đang hóa giải lời nguyền về vị trí gác đền ngót nghét cả thập kỷ của bóng đá nước nhà.
Còn nhớ, mười năm trước (2008), đội tuyển quốc gia Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Suzuki Cup. Trong chiến thắng lịch sử của tuyển Việt Nam, thủ môn Dương Hồng Sơn được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Nhưng sau Hồng Sơn, vị trí gác đền là một trong những “yếu huyệt” khiến bóng đá nước nhà luôn lỡ hẹn với giấc mơ Vàng. Từ Bùi Tấn Trường (SEA Games 2009), đến Trần Bửu Ngọc (SEA Games 2011, 2013) hay Phí Minh Long (SEA Games năm 2015) ở cấp độ U23 hay Nguyên Mạnh (AFF Suzuki Cup 2014, 2016) ở cấp độ đội tuyển quốc gia, không ít lần, nỗi đau ở người gác đền đè nén cảm xúc, sự kỳ vọng của người hâm mộ.
Sau mười năm, bóng đá nước nhà đã gọi tên Bùi Tiến Dũng.
Vô địch châu Á-Tại sao không?Dõi theo các trận đấu của tuyển U23 Việt Nam, trước đó là tuyển U19, U20, cùng với Bùi Tiến Dũng, người hâm mộ không thể không nhắc đến tiền đạo Hà Đức Chinh, dân tộc Mường, quê ở Phú Thọ.
Trong khi Bùi Tiến Dũng là “trụ đồng” đáng tin cậy trong khung gỗ, ra vào hợp lý, bắt 11m cực “nhạy”; thì Đức Chinh luôn xông xáo, nhiệt huyết, “tả xung hữu đột” trên hàng công.
Chinh chơi tròn vai trong suốt chặng đường đầu tiên của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2018. Nhưng ở thời khắc quan trọng, anh tỏa sáng để góp công đưa đội nhà vào đến chung kết.
Ở trận tứ kết với Iraq, Đức Chinh đã đóng góp 1 bàn thắng bằng đầu, khiến hàng thủ cao to của đội bóng Tây Á phải ngỡ ngàng. Trong trận bán kết trước Qatar, Đức Chinh được vào sân thay Công Phượng trong hiệp 2 và anh cùng đồng đội lại giành chiến thắng.
Cùng với Đức Chinh, Tiến Dũng, tiền vệ Bùi Tiến Dụng (em trai thủ môn Tiến Dũng) cũng luôn sẵn sàng chờ cơ hội được đóng góp cho U23 Việt Nam. Trận tranh hùng với Uzbekistan chiều 27/01, biết đâu có một khoảnh khắc nào đó HLV Park Hang-seo sẽ dùng tới “thanh gươm núi rừng” cuối cùng của mình mang tên Tiến Dụng để tạo nên sự khác biệt nơi vòng tròn giữa sân?
Năm 2018, cả dân tộc đang mong chờ một kỳ tích theo chu kỳ 10 năm được lặp lại (năm 1998 chúng ta vô địch Tiger Cup, năm 2008 vô địch AFF Suzuki Cup). Và lần này, chúng ta sẽ vô địch U23 châu Á? Kỳ tích xuất hiện hoàn toàn có cơ sở khi tuyển U23 là một tập thể đầy sức mạnh, được tiếp sức bởi lòng tự hào dân tộc đang cháy bỏng trong hơn 93 triệu con người.
Một chiến thắng ngọt ngào, chiến thắng của tinh thần chiến đấu hết mình, của đấu pháp hợp lý và của một lối chơi tự tin mang đậm chất Việt Nam. Hàng triệu người hâm mộ đang mong chờ đón xem trận chung kết với U23 Uzebekistan.
U23 Việt Nam tiếp tục viết tiếp giấc mơ lịch sử trên con đường chinh phục ngôi vô địch. Tại sao không?
Thời gian qua, nhiều vận động viên người DTTS đã đóng góp vào thành tích ấn tượng của thể thao nước nhà. Có thể kể đến như lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn (dân tộc Khmer), nữ vận động viên boxing Lừu Thị Duyên (dân tộc Mông), cung thủ Lộc Thị Đào (dân tộc Tày), anh em vận động viên điền kinh Quách Công Lịch-Quách Thị Lan (dân tộc Mường)…. Trên hành trình chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á, U23 Việt Nam cũng đã bất đắc dĩ phải chia tay với cầu thủ chạy cánh A Hoàng (cầu thủ của đội Hoàng Anh Gia Lai) người dân tộc Giẻ-triêng.Tùng Nguyên