Theo Chương trình, trong ngày sẽ diễn ra các Hội nghị: Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 8; Hội nghị Cấp cao của các Nhà Lãnh đạo ASEAN-New Zealand kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác; Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 2; Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23; Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15. Bên cạnh đó, trong ngày sẽ diễn ra Lễ khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort)”...
Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ và sẽ bàn về phương hướng, biện pháp triển khai quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ, đưa hợp tác giữa hai bên đi vào thực chất và hiệu quả hơn, đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Quan hệ đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ chính thức bắt đầu năm 1977. Hai bên thiết lập quan hệ đối tác tăng cường năm 2005. Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) vào tháng 7/2009, đề xuất và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ-4 nước Hạ nguồn Mekong (CLTV) lần đầu tiên vào tháng 7/2009. Hoa Kỳ cũng là một trong những nước đối thoại đầu tiên chính thức lập Phái đoàn ngoại giao tại ASEAN và cử Đại sứ thường trú bên cạnh ASEAN năm 2010.
Quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ đã được nâng lên tầm cao mới khi hai bên chính thức xác lập đối tác chiến lược tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 3 (Kuala Lumpur, Malaysia, tháng 11/2015).
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lần thứ 22 diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Cấp cao liên quan diễn ra ở Thái Lan, các Nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng, sự năng động và tính trụ cột của hợp tác ASEAN+3 đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực dựa trên các nguyên tắc tin cậy, tôn trọng, chia sẻ lợi ích chung. Kết thúc hội nghị, các nước đã thông qua Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Sáng kiến Kết nối các kết nối; thành lập website về ASEAN+3 để tăng cường nhận thức, thúc đẩy hữu nghị nhân dân các nước trong khu vực.
Về Dự án Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với liên danh nhà đầu tư được lựa chọn là Tập đoàn T&T (Việt Nam) và YCH Group Pte Ltd, YCH Holdings (Singapore).
Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng mới Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Clearance Depot - ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.
Cụ thể, Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc có chức năng trung chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh trên hành lang kinh tế Hà Nội-Lào Cai, các luồng hàng từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và là nơi lưu trữ hàng hóa, phân phối phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng cho các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang. Bên cạnh đó, với chức năng cảng cạn ICD, Trung tâm còn đảm nhiệm chức năng điểm thông quan hàng hóa nội địa, đầu mối giao thông và giao nhận vận tải đa phương thức quan trọng của khu vực; đảm nhiệm chức năng thông quan, làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu…
Tiến trình Cấp cao Đông Á (EAS) ra đời năm 2005 với việc tổ chức Cấp cao EAS lần đầu tiên tại Kuala Lumpur. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand.
Tại Hội nghị Cấp cao EAS đầu tiên, Lãnh đạo các nước đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Cấp cao Đông Á, trong đó đề ra mục tiêu, nguyên tắc, lĩnh vực và các phương thức hoạt động chính của EAS. Theo đó, EAS là diễn đàn của các Lãnh đạo đối thoại về các vấn đề chiến lược nhằm hỗ trợ mục tiêu xây dựng cộng đồng ở khu vực Đông Á. Đây là một tiến trình mở và thu nạp, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo; bổ sung và hỗ trợ cho các diễn đàn khu vực khác hiện có, họp hàng năm do ASEAN chủ trì nhân dịp Cấp cao ASEAN.
Tại Hội nghị EAS lần thứ 14, các nước cho rằng, EAS là cơ chế hàng đầu đối thoại về an ninh, chiến lược ở khu vực; đánh giá tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động nhanh chóng, thuận lợi thách thức đan xen. Đa số các nước cho rằng EAS, với một nửa dân số thế giới, phải được củng cố và phát huy, thực sự trở thành diễn đàn của các lãnh đạo, trao đổi các nội dung chiến lược, liên quan tới hòa bình, ổn định khu vực. Các nước hài lòng với việc triển khai Kế hoạch Hành động Manila 2018-2020; thông qua Tuyên bố về chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 12-15/11/2020. Đây là chuỗi hoạt động cuối cùng của Năm Chủ tịch ASEAN và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan là dịp quan trọng để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đưa ra những quyết sách, chỉ đạo quan trọng về hợp tác ASEAN và quan hệ với các đối tác, đối sách của ASEAN đối với các vấn đề khu vực và quốc tế tác động đến khu vực trong thời gian tới, cũng như nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế hiện nay, trong đó có dịch COVID-19. Đây cũng là đợt hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt, khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.