Các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh An Giang luôn được duy trì và phát huyPhát huy hiệu quả chính sách dân tộc
Theo báo cáo của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh An Giang, từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác tiếp tục được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan. Qua đó, góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS nói riêng từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 3-4%.
Đặc biệt với Chương trình MTQG 1719, An Giang thực hiện 9/10 Dự án và 12/14 Tiểu dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phân công 9 đơn vị sở, ngành và 5 huyện, thị được giao vốn làm chủ đầu tư. Tổng vốn ngân sách Trung ương và địa phương phân bổ giai đoạn 2021-2025 là 323.388 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 289.889 triệu đồng; ngân sách địa phương 33.499 triệu đồng.
Tính đến nay, An Giang đã giải ngân 183.492/323.388 triệu đồng, đạt hơn 56%. Cụ thể, ngân sách Trung ương giải ngân được 166.166 triệu đồng, ngân sách địa phương giải ngân hơn 18.354 triệu đồng.
Là người có uy tín trong đồng bào DTTS Khmer, ông Chau Ku, ngụ phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên rất vui mừng với những đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. “Đời sống người Khmer bây giờ có nhiều khởi sắc. Đường sá trong phum, sóc thông thoáng hơn, nhà cửa của bà con Khmer khang trang hơn. Điều làm tôi phấn khởi nhất là chuyện học hành của con em đồng bào Khmer đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi. Thanh niên Khmer bây giờ đi lao động ngoài tỉnh, một số cháu còn đi xuất khẩu lao động với nguồn thu nhập khá” – ông Chau Ku chia sẻ.
Ông Chau Ku lạc quan hơn khi nói về sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa của người Khmer. Bản thân ông từng được tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang, ông mong muốn, những sự kiện này sẽ được tiếp tục phát huy để đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng Khmer ngày càng phong phú hơn.
Nghề nấu đường thốt nốt của đồng bào Khmer tỉnh An Giang đang là sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm về nấu đường và cách chế biến vô cùng hấp dẫn với du khách (Trong ảnh: Đồng bào đóng gói sản phẩm đường thốt nốt)Tiếp tục chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS
Ghi nhận tại thị xã Tịnh Biên, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vươn lên từ chính người dân, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại thị xã Tịnh Biên đã có nhiều đổi mới.
Sau những ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2025 rộn ràng, đông đảo phật tử chùa Tà Ngáo, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên vẫn còn tận hưởng niềm vui hân hoan, khi nhà chùa được nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 3 phòng học dành cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Trong niềm phấn khởi, đại đức Chau Khi (sãi cả chùa Tà Ngáo) cho hay: Những ngày qua, sư với bà con Khmer ở chùa rất vui, mong chờ tới ngày khởi công xây dựng 3 phòng học. Đây là tình cảm và tấm lòng rất quý báu, giúp cho các em nhỏ là người dân tộc Khmer có phòng học mới khang trang, tiện nghi để học chữ Pali. Trước đây, các em học trong nhà ăn, khoảng sân trống, thậm chí là chòi lá dựng tạm. Do đó, khi được Hội Từ thiện chùa Tường Nguyên về giúp xây phòng học, bà con ai nấy cũng vui mừng, nhất là các em nhỏ.
Đại đức Chau Khi cũng cho hay, các phòng được xây dựng mới không chỉ giúp có thêm không gian học tập, mà còn làm chỗ nghỉ ngơi cho bà con về chùa trong ngày rằm, mùng 1 hàng tháng. Các phòng học này góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết, bảo tồn bản sắc dân tộc của bà con Khmer; các vị sư Nam tông cũng có không gian học giáo lý.
“Thấy mọi người vui vì có chỗ học tiếng Pali, có nơi sinh hoạt chung, sư phấn khởi lắm. Thay mặt chùa và bà con Khmer ở khóm Phú Tâm, sư chân thành cảm ơn Hội Từ thiện chùa Tường Nguyên. Sư cũng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương tại thị xã Tịnh Biên đã luôn hỗ trợ người Khmer làm ăn, học hành để vươn lên thoát nghèo. - Đại đức Chau Khi nhấn mạnh.
Ngoài ra, những năm qua, Thị ủy, UBND TX. Tịnh Biên cùng các ngành, địa phương luôn quan tâm vận động, vận dụng nhiều nguồn lực để chăm lo cho đời sống kinh tế, văn hóa cho bà con. Tiêu biểu là những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025.
Giai đoạn 2021 - 2024, thị xã Tịnh Biên được phân bổ hơn 48 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Cụ thể, đã triển khai 6 tuyến ống cấp nước, hỗ trợ 134 hộ về nhà ở, 17 hộ về đất ở và nhà ở; 12 công trình giao thông nông thôn, xây mới, cải tạo trường học với tổng nguồn vốn giải ngân hơn 29,3 tỷ đồng. UBND thị xã Tịnh Biên cũng giải ngân 7,8 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp cho các dự án thuộc chương trình.
Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào Khmer tại Tịnh Biên. 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã; 100% xã, phường có điện lưới quốc gia; số hộ dân sử dụng nước máy phủ khắp 60/60 khóm, ấp; 33,3% trường đạt chuẩn quốc gia; 98% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Đường Tà Ngáo, Hương lộ 6, Hương lộ 13… đảm bảo phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc Khmer giảm trên 3%/năm.