Ẩm thực Lào không cầu kỳ về tính thẩm mỹ, trang trí nhưng lại rất chú trọng về hương vị, món nào cũng phải đậm đà. Bởi vậy, cách pha chế các loại nước chấm của người Lào khá công phu, với yêu cầu cân bằng được độ mặn-ngọt-chua-cay. Trong đó vị cay được xem là chủ đạo của các món ăn Lào.
Mắm Pa-dek (pà đẹc) được xem là đặc sản của Lào, là nguyên liệu chính làm nên độ đậm đà cho phần nhiều các món ăn đặc sắc của Lào. Đây là loại mắm được làm từ cách chưng cất cá, cua cho lên men. Cá và cua phải là cá, cua sông, có vị ngọt đặc trưng, không giống như cách chế biến mắm bằng cá biển của người Việt. Sau khi cho lên men thì được pha trộn với gừng, ớt và một số gia vị khác. Vì thế mắm “pà đẹc” của Lào có vị ngọt, cay nồng rất đặc trưng.
“Xụm” được xem là món ăn chính, rất cầu kỳ và đa công nhất trong các món của người Lào. Xụm biểu hiện rõ nét nhất của sự pha trộn giữa hương vị cũng như màu sắc. Tổng hợp các vị: chua- cay- mặn-ngọt của món này được pha trộn giữa các loại rau củ quả như: đu đủ, cà chua, cà xanh, ớt đỏ, gừng, cóc, xoài, rau thơm... pha lẫn cùng hương vị cay nồng, mặn mà của mắm “pà đẹc”. Màu sắc từ các loại rau củ quả của món này cũng rất bắt mắt, tạo tính thẩm mỹ, đồng thời tăng độ hấp dẫn cho món “xụm” Lào. Xụm thường đi kèm với món xôi nếp Lào, nên thường gọi chung là món “xôi xụm”.
Xôi cũng được lựa chọn nguyên liệu nếp Lào loại 1, dẻo và thơm ngon. Sau khi hấp xong, xôi được đặt trong các giỏ đan bằng tre để giữ độ ấm nóng vừa phải. Trước đây, muốn thưởng thức các món ăn của người Lào, thực khách thường phải cất công đến đất bạn, gần nhất cũng phải đến các hàng quán ở chợ Ka-Rôn, giáp biên giới Việt Nam. Nhưng nay, nhờ sự du nhập của ẩm thực Lào rất đa dạng và phong phú, nên thực khách không cần phải đi đâu xa, mà có thể thưởng thức ngay trên đất Việt. Anh Hoàng Đình Toàn, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa là khách thường xuyên đến quán ẩm thực Lào, anh vui vẻ cho biết: “Tôi là người buôn bán hay qua lại bên Lào, rất thích các món ăn của Lào. Hiện nay nếu thích ăn thì đã có các quán ở Khe Sanh. Tôi thấy người Việt mình nấu món Lào cũng khá ngon”.
Còn chị Trần Thị Thủy, chủ nhà hàng Laos food ở thị trấn Khe Sanh mở cửa hàng gần nửa năm nay, cho biết: “Khách ở huyện Hướng Hóa khá thích các món ăn của Lào. Từ lúc mở quán đến giờ, lượng khách đến ngày càng đông hơn. Hầu hết họ đều thích các món đặc trưng của Lào và một số món pha trộn giữa cách chế biến của người Lào và người Việt”.
Những nhà hàng chuyên các món ăn của người Lào ở huyện Hướng Hóa không chỉ giới thiệu những món ăn đặc trưng của người Lào đến với thực khách, mà chủ các nhà hàng này còn tìm hiểu sự tương đồng về văn hóa ẩm thực của Lào và Việt để sáng tạo ra những món ăn mang tính pha trộn giữa văn hóa ẩm thực của hai nước. Tiêu biểu như các món: nướng khô của Lào chấm với đồ chấm của Việt; món luộc, hấp chấm mắm của Lào được chế biến thành món hỗn hợp của người Việt, hay món nộm rau củ quả của người Việt được pha trộn cùng mắm “pà đẹc” của Lào; ốc Lào nấu sả ớt, chân gà xào sả ớt, chim cút nướng, bắp chiên bơ, xoài chấm ruốc…
Thức uống tại các nhà hàng ẩm thực Lào ở đất Việt cũng rất đa dạng. Tất cả đều có xuất xứ từ nước bạn Lào. Đặc biệt là món nước ép trái cây Ô Liêng (nậm Ô Liêng) rất thơm ngon của Lào. Cách trang trí bày biện ở đây cũng thể hiện sự giao thoa văn hóa của hai nước Việt-Lào, từ bảng hiệu cho đến bàn ăn… Được thưởng thức ẩm thực Lào trong khung cảnh đậm chất văn hóa Lào ngay trên đất Việt là điều hết sức lý thú đối với thực khách. Đây cũng là một trong những cách để người dân hai bên biên giới làm phong phú hơn vốn ẩm thực của đất nước mình, đồng thời tạo sự giao lưu văn hóa ẩm thực giữa Việt Nam và nước bạn.
ĐỨC VIỆT