Trong các loại hình văn hóa truyền thống thì nghệ thuật diễn xướng dân gian được duy trì và phát triển lâu bền. Âm nhạc, dân ca, dân vũ là chất men tạo nên những cảm hứng cho nghệ thuật tạo hình và một số loại hình nghệ thuật khác, làm giàu có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật của của đồng bào, tô điểm bức tranh đa sắc của đại ngàn Trường Sơn.
Âm nhạc và lễ hội là chủ đề tạo nên nguồn cảm hứng trong sáng tác nghệ thuật tạo hình của các nghệ sĩ dân gian. Điều thú vị là đối với những tác phẩm của các nghệ nhân dân gian gửi gắm nơi nhà làng thì chủ đề về diễn xướng dân gian lại chiếm một ưu thế về số lượng tác phẩm và phong cách thể hiện. Có lẽ âm nhạc, nhịp điệu trống chiêng là chất men gây xúc cảm nghệ thuật để hình thành nên những tác phẩm khá độc đáo. Với các nghệ nhân Cơ-tu, mỗi lần tổ chức, sinh hoạt lễ hội cộng đồng, họ luôn đảm nhận nhiều vai trò, thể hiện sự đa năng, vượt trội trong việc thực hành, trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian. Trước khi làng vào mùa lễ hội, họ cũng là người huy động dân làng tham gia công tác chuẩn bị về vật dụng, lương thực thực phẩm, trang trí....
Những người khéo tay trong làng dành hết cả tâm trí, tài năng để tạc tượng, chạm khắc, tô vẽ hoa văn trên cây cột lễ, cây nêu. Và khi vào hội, khi có chút men say, có một sự hưng phấn, kích thích, họ có thể nhảy múa, tấu chiêng xuất thần, hát ca đối đáp trôi chảy, lời hát-nói lý cất lên thấm đẫm tình người. Không có gì lạ khi điệu dân vũ nổi tiếng của đồng bào là chủ đề gây nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật tạo hình với hàng loạt bức tranh, bức tượng, phù điêu, những dải hoa văn trang trí làm đẹp cho ngôi nhà làng truyền thống (gươl). Hình ảnh cô gái múa là chủ đề mà nghệ nhân dân gian Cơ-tu không bao giờ xa rời trong sáng tạo nghệ thuật truyền thống. Từ bàn tay khéo léo của họ, từng nhát đục vẹn nguyên như hơi thở, họ đã tận hiến cho vốn văn hóa bản làng thêm phần đặc sắc.
Trên cột cái (z’râng mỏỏng), những tấm ván thưng, những thanh xà, trên hai đầu nóc nhà... được chạm trổ hình cô gái múa, người đàn ông nhảy hội cùng với vô số những hình ảnh quen thuộc khác như con rồng, đầu trâu, kỳ đà, tắc kè, thằn lằn, hình trai gái tình tứ trong điệu khèn bè, những chiếc mặt nạ, cảnh đâm trâu và săn bắn, cảnh uống rượu cần… Khi diễn đạt, miêu tả hình ảnh cô gái múa trong điêu khắc tượng tròn hay trong phù điêu, nghệ nhân Cơ-tu luôn có sự kết hợp màu sắc để làm hoàn thiện thêm về y phục, trang sức hoặc các chi tiết của thân thể con người như đôi mắt, chân mày, mái tóc. Có nơi, người ta mặc bộ áo váy thổ cẩm rực rỡ màu sắc, hoa văn cho bức tượng cô gái múa. Để làm nền loại hình di sản này, có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật thị giác. Chính nghệ thuật điêu khắc dân gian, nhất là các tác phẩm thể hiện ở nhà làng góp phần làm cho vũ điệu Tân tung za zá thêm sinh động, phong phú và mang một giá trị đặc sắc.
Âm nhạc và múa là linh hồn của di sản văn hóa Cơ-tu, là yếu tố làm nên nét đặc sắc của lễ hội truyền thống. Âm nhạc và múa không chỉ giúp đồng bào vui chơi, giải trí trong sinh hoạt cộng đồng mà còn là tín hiệu trong các nghi lễ cúng tế thần linh. Trong các lễ hội, nghi thức quan trọng nhất là lễ dựng cây nêu, cột tế thần và nghi lễ hiến sinh. Người Cơ-tu làm cột lễ vào các dịp lễ hội quan trọng như Lễ Kết nghĩa, Lễ Ăn mừng lúa mới, Lễ cúng đất… Cột lễ được xem như "lễ đài" chính của lễ hội, là nơi tiến hành các nghi lễ tâm linh và là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi, diễn xướng dân gian. Cột lễ còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân. Các điệu múa, các điệu nhạc được thể hiện xung quanh cây nêu, cột lễ cùng với các nghi thức thiêng liêng được tiến hành tại đây.
Âm nhạc và múa có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, là những thành tố tạo nên tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Cơ-tu. Trong đó có hai di sản thuộc loại hình diễn xướng dân gian: Vũ điệu tung tung za zá và nghệ thuật hát lý-nói lý của đồng bào Cơ-tu đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tài sản tinh thần quý giá đó đã được đồng bào tích lũy bao đời, làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.
TẤN VỊNH