Các đại biểu trồng 108 cây bồ đề được thỉnh từ Ấn Độ trên núi Bà Đen. (Ảnh: BTC)Theo Ban Tổ chức, hoạt động trồng 108 cây bồ đề là biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, lan tỏa thông điệp hòa bình và sự gắn kết xuyên biên giới của cộng đồng Phật tử toàn cầu.
Các cây bồ đề được trồng lần này không phải giống cây thông thường, mà được chiết từ cây bồ đề gốc tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ). Mỗi cây đều được gắn số thứ tự và tên quốc gia tham dự Đại lễ, tạo nên một "vườn di sản" mang tính biểu tượng chưa từng có tại Việt Nam.
Trong văn hóa Phật giáo, cây bồ đề chính là loài cây Pippala linh thiêng của người Ấn Độ. Dưới bóng cây ấy, vào đêm trăng tròn tháng Vesakha tại khu rừng Uruvela bên bờ sông Ni-liên-thuyền, Đức Phật đã thành đạo. Trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm, cây bồ đề vẫn vững chãi tồn tại và phát triển ngay phía sau tháp Đại Giác cao 51m tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ).
Sau nghi thức trồng cây, hơn 2.000 đại biểu đã cùng tụ họp tại quảng trường Tây Bổ Đà Sơn tham gia Lễ thắp nến cầu nguyện. Những ngọn nến được thắp lên không chỉ soi sáng không gian linh thiêng của núi Bà Đen, mà còn thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và khát vọng về một thế giới hòa bình, không còn khổ đau.
Bà Nguyễn Lâm Nhi Thùy - Phó Tổng Giám đốc Sun Group khu vực miền Nam, cho biết: “Việc núi Bà Đen được chọn làm nơi tổ chức các nghi lễ trọng điểm trong Vesak 2025 là vinh dự lớn, đồng thời là dịp để Tây Ninh giới thiệu hình ảnh linh thiêng, thanh bình của mình đến bạn bè quốc tế”.
Thế giới Bồ Đề Viên trên núi Bà Đen không chỉ là điểm nhấn trong dịp Vesak năm nay, mà còn hứa hẹn trở thành một biểu tượng tâm linh mới của Việt Nam trong tương lai.