Mù Cang Chải là huyện vùng cao ĐBKK của tỉnh Yên Bái, với dân số trên 62.000 người, trong đó 96% là đồng bào DTTS (đồng bào dân tộc Mông chiếm đến 91%). Những năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên địa bàn không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, nhưng tảo hôn lại đang gia tăng đáng báo động.
Theo số liệu của Phòng Dân tộc huyện Mù Cang Chải, năm 2016 toàn huyện có 83 trường hợp tảo hôn; từ năm 2017 đến nay lại tăng lên hết sức lo ngại. Cụ thể, năm 2017 có 102 trường hợp; năm 2018 có 108 trường hợp. Còn tính 3 tháng đầu năm 2019, toàn huyện Mù Cang Chải có đến 112 trường hợp tảo hôn và có dấu hiệu tảo hôn (tự về ở với nhau mà không tổ chức cưới, hỏi).
Trường hợp em Giàng Thị Cu (16 tuổi), ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải là một ví dụ. Em được bố mẹ tổ chức lễ cưới khi mới hơn 14 tuổi, sau đó một năm, Giàng Thị Cu đã làm mẹ.
“Ở đây chúng em cứ trên 13 tuổi là bắt đầu tính chuyện lấy chồng rồi, con gái mà 17, 18 tuổi chưa lấy chồng là sẽ khó lấy chồng lắm chị ạ vì các anh bảo “già lắm rồi, không lấy đứa này nữa”, Giàng Thị Cu chia sẻ.
Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng đã sớm làm cha, làm mẹ như Giàng Thị Cu ở bản Lùng Cúng không phải là hiếm. Em Trang Giồng Di, ở bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải), khi chưa đủ 16 tuổi đã dở dang việc học để lấy vợ. Nay Di vừa tròn 18 tuổi thì đã làm bố của 2 đứa con. So với bạn bè cùng lứa tuổi, trông Di gầy gò khi phải gánh trọng trách làm chồng, làm cha.
Chia sẻ về nguyên nhân tình trạng tảo hôn có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, ông Hảng A Ký, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Mù Cang Chải, cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thiếu sự quan tâm của gia đình khi các em ở độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi suy nghĩ chưa được chín chắn lại thích khám phá. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa thực sự phối hợp tốt trong tuyên truyền dẫn đến việc tuyên truyền chưa chủ động, thường xuyên và có hiệu quả.
“Nhất là việc kết hợp các giải pháp trong ngăn chặn tảo hôn chưa được triển khai đồng bộ, chưa có sự vào cuộc quyết liệt từ gia đình, xã hội và chính quyền địa phương trong công tác xử lý các vụ vi phạm về tảo hôn”, ông Ký cho biết.
Tình trạng tảo hôn không chỉ diễn biến theo chiều hướng gia tăng ở riêng huyện Mù Cang Chải mà còn xảy ra ở nhiều địa phương khác của tỉnh Yên Bái. Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, năm 2018 toàn tỉnh có 384 cặp tảo hôn, giảm 8 cặp so với năm 2017.
Nhưng đây chỉ là bề nổi bởi ở nhiều địa bàn vùng sâu, đi lại khó khăn rất khó để cập nhật số liệu. Hơn nữa, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, nhiều hộ vì sợ bị xử lý khi để xảy ra tảo hôn nên không khai báo.
Từ thực trạng trên cho thấy, công tác phòng chống tảo hôn đòi hỏi cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành và địa phương để nâng cao nhận thức về những hệ lụy của tảo hôn cho người dân, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em để hạn chế tình trạng tảo hôn có xu hướng gia tăng ở vùng đồng bào DTTS.
Theo ông Hồ Mạnh Khoa, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho bà con, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân ở vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, các địa phương cần đưa nhiệm vụ giảm thấp nhất tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục dưới mọi hình thức; xây dựng các mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các bản làng, trường học để tác động mạnh đến nhận thức của người dân, nhất là trẻ em.
HOÀI DƯƠNG