Đón Xuân này, người Mông ở bản Cổng Trời vui hơn khi cuối năm 2017, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của bà con được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn, gìn giữ.
Cuộc sống đổi thayNhớ khi bà con người Mông chuyển từ bản Huổi Toóng, xã Huổi Lèng về đây lập bản, cũng đã trải qua bao mùa cây lúa trổ bông. Những ngày đầu, đời sống của 51 hộ/255 nhân khẩu ở Cổng Trời gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, cơm không đủ no, áo không đủ ấm... Từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự cần cù, chịu thương chịu khó, người Mông ở Cổng Trời đã ổn định cuộc sống.
Ông Hạng Xá Thàng, Trưởng bản Cổng Trời, vui vẻ nói: Những năm qua, bản Cổng Trời đã được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt... Bà con còn được hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi, cùng với việc thay đổi nếp nghĩ cách làm nên đời sống của người dân đã có những đổi thay đáng kể. 100% nhà cửa của bà con đã được kiên cố, ngói hoá, nhiều gia đình mua sắm những phương tiện sinh hoạt đắt tiền như ti vi, xe máy, tủ lạnh...
Cuộc sống dần khá giả, người dân trong bản đã biết chăm lo tương lai cho con em mình bằng việc cho đi học, 100% số trẻ trong độ tuổi đều được đến trường. Hiện cả bản có hơn 10 cháu đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp…
Chúng tôi đến thăm gia đình Vàng Trùng Chìa (SN 1972), từng là một hộ nghèo của bản nay đã vươn lên khá giả. Anh Chìa tâm sự: năm 1983 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh lập gia đình. Nhà chỉ có 1ha ruộng bậc thang và đất vườn; dù chăm chỉ nhưng 2 vợ chồng mãi không thoát khỏi cảnh “ăn bữa sáng lo bữa tối”.
Hằng đêm, anh Chìa trăn trở nghĩ cách làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2006, được vay 33 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, anh mua 1 con trâu sinh sản, 2 con bò và 2 con dê. Cần cù, chịu khó, anh kết hợp nuôi lợn gà để tăng thu nhập. Anh còn đào thêm 4.000m2 ao nuôi cá.
Ngoài chăn nuôi, gia đình anh Chìa đã trồng được 2,5ha rừng thông và cây chủ thả cánh kiến, 1,2ha ruộng cho thu hoạch trên 3 tấn thóc, 1 tấn ngô/năm; anh còn mua được máy cày, máy xay xát và máy tuốt lúa.
Đến nay, anh Chìa đã là một chủ trang trại, có đàn trâu 7 con, đàn bò 12 con, đàn dê hơn 40 con. Sau khi trừ mọi cho phí gia đình anh cũng thu lãi trên 180 triệu đồng/năm.
Không chỉ ổn định kinh tế gia đình, làm giàu trên đồng đất nơi Cổng Trời anh Chìa còn sẵn sàng giúp đỡ các gia đình trong bản có hoàn cảnh khó khăn về vốn, tận tình hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả.
Đến nay, bà con bản Cổng Trời đa phần đều đã có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình tích cực lao động sản xuất, biết tính toán làm ăn đã trở nên khá giả. Điều này đã góp phần tạo cho bộ mặt nông thôn vùng cao Cổng Trời trở nên khang trang, no ấm hơn.
Niềm vui nhân đôiTheo ông Hạng Xá Thàng, Trưởng bản Cổng Trời, Tết Mậu Tuất này bà con ở bản càng vui hơn bởi vừa rồi, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông của bản Cổng Trời được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là một nghệ thuật trang trí độc đáo, được bà con lâu nay gìn giữ, đúng như câu hát: “Lớn lên em theo mẹ tập thêu/Theo chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới/Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh chưa biết cầm kim là hư...”.
Cụ Vàng Thị Sua ở bản Cổng Trời, năm nay hơn 90 tuổi, bảo: Phụ nữ người Mông thì ai cũng phải làm áo váy mới để mặc Tết. Vì năm mới, phải có quần áo mới để chơi Xuân, để thăm, chúc Tết họ hàng. Nhiều người còn bảo: đàn bà người Mông không biết may áo váy là không giỏi, không đẹp. Vì vậy, ngày Tết không làm được áo mới, váy mới cũng rất xấu hổ.
Với những bà, những chị đã may xong cho bản thân và con em mình những bộ váy mới, thì lại tiếp tục chuẩn bị cho những bộ váy mới của năm sau. Những chiếc áo, váy đã hoàn thiện mang nhiều hoa văn sặc sỡ sắc màu là nét nổi bật trong sắc Xuân ở bản vùng cao Cổng Trời.
Ông Hạng Phử Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông cho biết: Người dân bản Cổng Trời đã biết phát huy tinh thần đoàn kết, khai thác tiềm năng thế mạnh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ đã biết vượt khó vươn lên phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương.
Ngoài ra, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, sẽ là điểm nhấn, thu hút khách thăm quan, góp phần phát huy giá trị của di sản văn hóa, qua đó bảo tồn lâu dài nghề truyền thống của người Mông, để rồi mỗi dịp Tết đến Xuân về, Cổng Trời sẽ thêm ấm cúng khi được đón khách xa gần.
DOÃN KIÊN