Nhiều tiêu chí chưa đạtXã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) là 1 trong 7 xã điểm về xây dựng NTM của tỉnh Điện Biên năm 2017. Mặc dù khi triển khai Ðề án 1573, tỉnh Điện Biên đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ đưa Sín Thầu hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, nhưng đến thời điểm này, địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu đề ra.
Cụ thể như trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có 02 tiêu chí liên quan đến văn hóa là tiêu chí số 06 và 16, Sín Thầu đều chưa đạt chỉ tiêu. Báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (Sở VHTT&DL) tỉnh Điện Biên cho biết, qua kiểm tra, khảo sát tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa cho thấy, hiện tại, xã Sín Thầu vẫn chưa có nhà văn hóa xã và sân chơi thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTT&DL. Toàn xã mới chỉ có 2/7 bản có nhà văn hóa cộng đồng, 5 bản còn lại đều chưa có nhà văn hóa và sân chơi thể thao. Theo tiêu chí số 16 về văn hóa, xã NTM phải có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn xã mới có 4/7 bản đạt danh hiệu làng văn hóa (đạt 57%).
Còn tại huyện Nậm Pồ, năm 2017, huyện được bố trí vốn xây dựng thiết chế văn hóa theo Chương trình NTM 4,7 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư: 2,2 tỷ, vốn lồng ghép 1,8 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Một số xã có nhà văn hóa thì lại thiếu sân chơi thể thao, một số xã có sân chơi thể thao thì lại thiếu nhà văn hóa hoặc cả nhà văn hóa và sân chơi thể thao đều chưa đạt chuẩn quy định về diện tích, chỗ ngồi, trang thiết bị bên trong…
Khó khăn trăm bềÔng Hà Xuân Mừng, Phó Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh Điện Biên cho biết: Sau hơn 1 năm thực hiện Ðề án 1573/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết quả thu được còn rất khiêm tốn; quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân chính là do nền tảng để triển khai Chương trình của tỉnh rất yếu. Xuất phát điểm của đa số các xã biên giới còn thấp, trong khi nguồn lực đầu tư của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế.
Ðến nay, Ðề án được bố trí 30 tỷ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình xây dựng NTM năm 2017 nhưng chưa bố trí vốn đầu tư cho nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế-xã hội (chiếm 9/19 tiêu chí). Tiến độ giải ngân vốn chậm, làm giảm hiệu quả đầu tư. Ðến cuối năm 2017, các xã biên giới mới giải ngân được 2 tỷ đồng, đạt 6,67%.
Ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) cho biết: Năm 2017, xã được cấp 750 triệu đồng vốn sự nghiệp theo Ðề án 1573/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được phân bổ vốn, kết hợp với nguồn hỗ trợ sản xuất của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2017, xã xây dựng 8 mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng, tổng diện tích 29,4ha với 294 hộ tham gia; mở 2 lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho lao động nông thôn. Tuy là 1 trong 7 xã điểm của tỉnh nhưng do thiếu vốn đầu tư thực hiện nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội nên Sín Thầu không thể hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2017, đành phải “khất nợ” để hoàn thiện vào các năm tiếp theo.
Không chỉ khó về vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tiêu chí về thu nhập cũng là bài toán nan giải trong xây dựng NTM của Điện Biên. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Văn Quân, hiện, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh vẫn còn cao (chiếm 44,82%). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn miền núi lên tới 53,59%. Bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2017 mới đạt 12,60 triệu đồng/người/năm, trong khi đó, tiêu chí quy định thu nhập bình quân năm 2017 phải đạt tối thiểu 26 triệu đồng/người, với Ðiện Biên là rất khó.
NGỌC ÁNH