Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Tình hình phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, kết quả đạt được, những hạn chế và phân tích nguyên nhân; chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030 với bối cảnh, thời cơ và thách thức, quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển, và nhiệm vụ giải pháp.
Thành tựu của giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được xem xét toàn diện trên các khía cạnh như: thể chế và công tác quản lý; tiếp cận và công bằng, chất lượng, nhân lực ngành giáo dục; nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, đóng góp ý kiến về nguyên nhân, hạn chế của giáo dục giai đoạn 2011-2020, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh vai trò của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Chiến lược được xây dựng dựa trên kết quả phân tích ngành và cũng đưa ra bộ chỉ số đánh giá chiến lược giai đoạn 2021-2030.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu tổng quát về phát triển giáo dục đến năm 2030 là phát triển toàn diện con người Việt Nam.
Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc; xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia về giáo dục để hoàn thiện “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cùng với đó, các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam rà soát, bổ sung dữ liệu thống kê và thông tin phân tích ngành để làm căn cứ xây dựng các mục tiêu, chỉ số cụ thể của chiến lược.