Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 29/10 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 461.653 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 246.230.104 ca, trong đó 4.995.721 ca tử vong và 223.106.524 ca đã được chữa khỏi.
Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (79.081.098 ca), vượt xa châu Âu (63.851.513 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 56.064.684 ca và Nam Mỹ với 38.365.202 ca. Châu Phi (8.562.572 ca) và châu Đại Dương (304.314 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Châu Á ghi nhận 104.328 ca mắc mới, 2.015 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong ở khu vực này cho đến nay là 1.166.737 ca, trong khi đó có 76.120.112 ca đã bình phục.
Tại châu Âu, Nga đã đóng cửa trường học, cửa hàng không thiết yếu và nhà hàng trong vòng 11 ngày tại thủ đô Moskva nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh. Theo đó, các trường học và nhà trẻ, cùng tất cả dịch vụ không thiết yếu, trong đó có các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và các khu thể thao và giải trí sẽ đóng cửa cho đến ngày 7/11 tới. Chỉ các cửa hàng bán thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm mới được mở cửa. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền thủ đô Moskva đang nỗ lực khống chế làn sóng lây nhiễm COVID-19, với số ca nhiễm và tử vong liên tục ở mức cao chưa từng thấy. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 40.096 ca mắc mới, thêm 1.159 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước đến nay, nâng số người không qua khỏi ở nước này lên 235.057. Hiện Nga là nước có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất châu Âu.
Tại Bắc Mỹ, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm, với 46.672.157 ca, trong đó 763.708 đã tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 67.712 ca mắc mới. Chính phủ Mỹ cho biết sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại với những người nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo đó, người đến từ hơn 30 quốc gia cụ thể sẽ được phép nhập cảnh Mỹ qua các cửa khẩu hàng không và đường bộ từ ngày 8/11.
Tại Nam Mỹ, Brazil ghi nhận số ca mắc ở mức cao nhất khu vực, với 21.781.436 ca, trong đó 607.068 ca đã tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 15.268 ca nhiễm mới.
Tại châu Phi, tổng số ca bệnh tại châu Phi đã lên đến mức hơn 8.562.572 ca, trong đó có 218.344 ca tử vong và khoảng 7.898.714 bệnh nhân đã hồi phục. Hiện Nam Phi, Marocco, Tunisia và Ethiopia đang là những quốc gia có tổng số ca bệnh đứng hàng đầu châu lục.
Tại châu Đại Dương, Australia là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực với 165.904 ca, trong đó có 1.696 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.135 ca nhiễm mới.
Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đang tăng trở lại, WHO cho biết đang theo dõi chặt chẽ AY.4.2 - một biến thể phụ của chủng Delta, nhằm đánh giá liệu mức độ lây nhiễm của biến thể này có cao hơn so với chủng ban đầu hay không. Biến thể phụ này đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia trên thế giới.
So với biến thể Delta, biến thể phụ AY.4.2 có thêm 3 đột biến, trong đó có 2 đột biến ở protein gai, phần virus bám vào tế bào của người. Theo dữ liệu của Sáng kiến khoa học toàn cầu (GISAID), khoảng 93% tổng số ca nhiễm biến thể AY.4.2 trên thế giới được phát hiện tại Anh và ước tính biến thể này chiếm khoảng 5,9 % số ca nhiễm biến thể Delta tại Anh từ ngày 3-10/10./.