Ông Martin Taylor - Đại diện WHO tại Trung Quốc - cảnh báo: "Virus đậu mùa khỉ chủng clade-2 vẫn đang lưu hành từ đợt bùng phát dịch trước đó. Virus nhóm này chủ yếu lây qua đường tình dục. Đối với biến thể 1b mà chúng ta đang thấy hiện nay, chủ yếu là qua tiếp xúc giữa người với người. Ngoài ra, tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với vật liệu bị nhiễm bệnh, ví dụ như ga trải giường bị nhiễm virus cũng là những phương thức lây truyền virus...".
Vào giữa tháng 8 vừa qua, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng lây lan của bệnh này.
Ca nhiễm biến thể 1b mới không chỉ xảy ra ở châu Phi mà đã xuất hiện tại châu Á.
Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan... đang tăng cường giám sát và sàng lọc tại các điểm nhập cảnh.
Singapore đã áp dụng biện pháp kiểm tra nhiệt độ và mống mắt tại các sân bay và trạm kiểm soát trên biển đối với du khách nhập cảnh và thành viên phi hành đoàn từ các nước hay khu vực có các ca nhiễm đậu mùa khỉ.
Trong báo cáo cập nhật về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi công bố hôm 23/8, Tổng Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, Jean Kaseya, nêu rõ những thách thức này cũng liên quan đến sự lây lan nhanh chóng dịch bệnh đậu mùa khỉ sang các quốc gia khác và làm giảm hiệu quả phối hợp các nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm đến ngày 23/8 đã ghi nhận tổng cộng 21.466 ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở 13 nước châu Phi, trong số này có 591 ca đã tử vong.
Tuy nhiên, theo ông Kaseya, những con số này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì còn nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ khó phát hiện, những hạn chế trong việc giám sát, xét nghiệm và báo cáo về số ca mắc bệnh.
Virus đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng giống cúm, gây tổn thương da và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gần. Mặc dù triệu chứng bệnh thường là nhẹ nhưng căn bệnh này có thể gây tử vong.