Sự khéo léo, tỉ mỉ và vai trò quan trọng của người phụ nữ Dao Tiền trong việc bảo tồn và truyền dạy những tập tục tốt đẹp của dân tộc mình, góp phần tạo nên nét đặc sắc, đa dạng của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phụ nữ Dao Tiền đã dần từng bước tìm được hướng phát triển sinh kế dựa vào phát triển Homestay và tạo cơ hội trải nghiệm kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong cho du khách khi dừng chân tại xóm Hoài Khai, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Chiều 10/11, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Khai mạc sự kiện "Sáp ong - Sắc chàm". Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8: "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030", giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.
Vẽ sáp ong trên vải mộc là một trong số những nghề thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Mông ở Hòa Bình và dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền, tỉnh Cao Bằng) được gìn giữ đến ngày nay. Hoa văn vẽ trên vải là những bức họa về thiên nhiên sống động miền sơn cước.
Với những độc đáo, sáng tạo trong nghệ thuật vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải, sự nỗ lực trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong đời sống của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), nghệ thuật vẽ sáp ong đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để nét văn hóa truyền thống đặc sắc này luôn hiện diện trong đời sống Nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với đồng bào Mông- những chủ nhân sở hữu di sản đang có nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn gắn với phát triển du lịch.