Doanh nghiệp không “mặn mà”
Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, quy định hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động nằm trong nhóm 12 chính sách tổng thể thuộc Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng kinh phí của gói hỗ trợ ước tính là 4.500 tỷ đồng, trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Gói hỗ trợ được đánh giá là cần và thiết thực với doanh nghiệp, nhưng thực tế triển khai lại chậm và còn phát sinh nhiều vướng mắc. Dù theo kế hoạch đến 30/6/2022 sẽ kết thúc thời gian các doanh nghiệp được nộp hồ sơ và phê duyệt phương án tổ chức đào tạo, nhưng đến nay việc giải ngân vẫn rất chậm so với mục tiêu.
Theo số liệu của Tổng Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) cho thấy, tới nay các địa phương đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoặc xin hướng dẫn của 200 doanh nghiệp. Trong đó, 60 doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đào tạo lại cho hơn 30.000 lao động. Sở LĐ- TB&XH của 14 tỉnh thành phê duyệt hỗ trợ cho 36 doanh nghiệp đào tạo lại gần 9.000 người, tổng kinh phí dự kiến trên 54 tỷ đồng.
Song thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tới ngày 17/5 cho thấy, cơ quan Bảo hiểm xã hội của 12 tỉnh thành, mới nhận hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ của 31 doanh nghiệp được địa phương phê duyệt. Thực tế, phía bảo hiểm xã hội mới giải ngân được 17,1 tỷ đồng (đạt 0,38%), chi đào tạo cho 4.000 người lao động.
Lý giải về vấn đề này, ông Trương Anh Dũng Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng: Nguyên nhân khách quan lớn nhất là do dịch bệnh. Khi mà doanh nghiệp, trường học đều phải đóng cửa, vận hành online thì không thể tổ chức đào tạo và xây dựng phương án. Bởi vì phương án xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Đó là khó khăn lớn nhất.
Bên cạnh đó, để được hỗ trợ gói chính sách này, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện như đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên cho lao động tính đến thời điểm đề nghị; thay đổi cơ cấu công nghệ; doanh thu giảm 10% trở lên... Mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng một tháng cho mỗi lao động, tối đa 6 tháng. Mặt khác chủ doanh nghiệp lo ngại, khi đào tạo xong lao động có thể nghỉ tìm việc khác tốt hơn; ngại kiểm tra của cơ quan chức năng sau khi nhận hỗ trợ.
Ngoài ra, thời gian triển khai gói hỗ trợ gấp rút, quy định về thủ tục giấy tờ triển khai rất khó, có khi phải kéo dài 2-3 tháng mới xong một bộ hồ sơ. Mỗi địa phương lại có cách hiểu khác nhau nên doanh nghiệp phải xin ý kiến khắp nơi, giải trình nhiều lần mới được phê duyệt, nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà.
Cần linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu thực tế
Thời gian qua, để xử lý các vướng mắc khi thực hiện chính sách này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đề nghị, Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố căn cứ nội dung của Nghị quyết 68 phổ biến, quán triệt tới các đơn vị chuyên môn, trung tâm dịch vụ việc làm để triển khai, phổ biến, thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng phương án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động…
Mặc dù ngành lao động đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến các văn bản về chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động đến các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền, sau đại dịch, các doanh nghiệp đang tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh, chưa có thời gian chuyển đổi ngành nghề nên chưa quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho người lao động. Do đó, số lượng hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động gửi về Sở LĐ-TB&XH rất hạn chế.
Cũng theo bà Hiền, Sở sẽ kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH kéo dài thời hạn hưởng chính sách này để doanh nghiệp có thêm thời gian làm thủ tục, hồ sơ cho người lao động được đi học nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc tại doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách tới hết năm 2023, bỏ quy định doanh nghiệp phải chứng minh phương án duy trì việc làm vì, cũng không thể giữ chân khi lao động nghỉ việc. Cấp có thẩm quyền cũng nên tính tới tinh giản điều kiện, hồ sơ nếu muốn giải ngân nhanh hơn.
Bên cạnh đó, cần phải rà soát để điều chỉnh lại cách làm cho phù hợp với thực tiễn, ví dụ như điều kiện để được thụ hưởng chính sách. Vì trong quá trình tiếp nhận hồ sơ cho tới nay, một số doanh nghiệp, địa phương phản ánh rằng, có những điều kiện để được thụ hưởng chính sách đến nay đã không còn phù hợp, như điều kiện về doanh thu giảm 10%...
Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm duy trì việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh,vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn tác động lâu dài. Do vậy, để chính sách phát huy hiệu quả, cơ quan chủ quan và địa phương cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tiễn khi thời hạn kết thúc triển khai chính sách đã cận kề.