Đàn ông lại thích rượu chè, cờ bạc. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) diễn ra thường xuyên, có xóm dường như tuần nào cũng xảy ra vài vụ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Lập hội để xóa bỏ BLGĐTừ khi xã Gia Sinh được tiếp nhận Dự án Phòng chống bạo lực gia đình với sự hỗ trợ của Viện Sức khỏe Sinh sản & Gia đình (SDC) và Tổ chức Phát triển & Hợp tác Thụy Sỹ (RaFH). Dự án là cái phao đã cứu nhiều gia đình thoát khỏi bờ vực tan vỡ, giúp nhiều phụ nữ tránh được đòn roi của chồng và đã nhận được sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp lãnh đạo địa phương cùng nhân dân trong xã, nhất là các chị em phụ nữ từng là nạn nhân của BLGĐ, họ vô cùng phấn khởi hưởng ứng.
Nói về sự vui mừng này, nhiều hội viên Hội Phụ nữ xã Gia Sinh, chia sẻ: Từ khi có Dự án về, địa phương đã thành lập cùng lúc 3 hội: “Hội đàn ông không đánh vợ”, “Hội phụ nữ giúp phụ nữ”, “Hội chúng ta cùng chia sẻ”. Nhờ vào sự nhiệt tình của không ít hội viên gương mẫu, xóm làng đã dần bình yên trở lại.
Kể lại cảm giác đau đớn mà một thời gian dài phải hứng chịu đòn roi từ chồng, chị Trần Thị Sen chia sẻ: Ông nhà tôi thật ra cũng hiền lắm, chỉ vài chén rượu vào mới nhiễu sự thôi. Cách đây cỡ chục năm, tôi nghĩ là rượu nó nói, rượu nó đánh, tôi ít phản ứng lắm. Sau rồi bị đánh nhiều quá, tôi bảo các con vùng lên bênh mẹ. Nhà chẳng mấy khi được yên. Mãi cho đến khi chính quyền vào cuộc, các ban ngành đoàn thể vận động, ông ấy bỏ được rượu, giờ lành như cục đất ấy!
Phải công nhận, 3 hội mà xã Gia Sinh lập ra đã “ngấm” rất nhanh vào đời sống dân cư và trở nên nổi tiếng trong vùng. Kinh nghiệm cũng từ đó được lan sang cả các xã nghèo khác như Gia Minh, Liên Sơn và một số thôn xã khác ở Gia Viễn.
Kiên trì vận động để thay đổi nhận thứcNguyên nhân của nạn BLGĐ được xác định chính là tình trạng bất bình đẳng giới đã tồn tại nhiều năm qua ở nước ta, trong đó tồn tại nhiều quan niệm cổ hủ, nhất là ở các vùng quê, vùng sâu, vùng xa. Một nguyên nhân nữa là do đời sống lạc hậu, kinh tế khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Quý (nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Sinh) được bầu là người đứng đầu “Hội đàn ông không đánh vợ” xã Gia Sinh là thành viên đã “cấp cứu” cho nhiều ca gia đình sắp rơi vào tan vỡ. Sau nhiều lần hàn gắn, hòa giải thành công các gia đình đánh nhau, ông Quý đã “quy tụ” nhiều người đàn ông thường xuyên sử dụng vũ lực, và liên miên chìm trong “ma men” để sinh hoạt vào hội. Ông còn hăng hái phụ trách luôn cả “Hội chúng ta cùng chia sẻ”-gồm những người bị bạo hành và bạo hành, sinh hoạt tập thể với nhau, để tìm ra điểm gây mâu thuẫn rồi tìm tiếng nói chung. Mọi việc tại cơ sở, các cuộc tập huấn kinh nghiệm chống BLGĐ ông Quý đều tham gia tích cực. Những nhân vật “cứng đầu”, đều được ông đến tận nhà khuyên giải tận tình.
“Ngày đầu vận động anh em đã từng dùng vũ lực với vợ con vào hội của mình thực sự rất khó vì ai cũng tự cho rằng đó là quyền của người đàn ông. Công tác vận động, tuyên truyền, khuyên giải phải dùng đến tình cảm, nhẹ nhàng và bí mật. Phải xử sự bằng tâm lý”, ông Quý tâm sự.
Sau ông Quý còn có những tuyên truyền viên “vác tù và hàng tổng” nhiệt thành công tác, đó là các ông Trần Xuân Huế (xóm 4), Nguyễn Xuân Ái (xóm 11), Vũ Anh Xuân (xóm 9), Đinh Hồng Thái (xóm 2), Nguyễn Văn Huần (xóm 8)… Các tuyên truyền viên này cho biết, trong nhiều chuyến vận động, tuyên truyền họ cũng bị chủ nhà dùng vũ lực đuổi ra. Nhưng ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc, liên quan đến toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nông thôn, các ông đã tích cực “lỳ lợm”, “rắn mặt” đối diện với họ một cách mềm dẻo. Với sự sáng tạo trong cách làm, những tuyên truyền viên đã biến không ít người trước đây hay dùng bạo lực nhất nhì xóm, đã trở thành tuyên truyền viên tích cực.
ĐÔNG HƯNG - VĂN HỌC