Không nhận đó là “rác”
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi Báo phản ánh, thì Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum đã tiến hành thu gom rác (lá, cành cây) ở khu vực Nghĩa trang Nhân dân Tp. Kon Tum đưa đi nơi khác xử lý. Còn ở khu vực bãi tập kết, thì đang xử lý bằng cách đốt. Khu vực đường vào các khu mộ cũng đã được san ủi sạch sẽ, không còn tình trạng sình lầy.
Ông Trịnh Công Sơn - Trưởng phòng Quản lý đô thị Tp. Kon Tum cho biết: Sau khi Báo phản ánh, UBND Tp. Kon Tum đã chỉ đạo và Phòng đã kiểm tra thực tế có 2 điểm tập kết cành, lá cây chứ không phải là “rác”. Phòng đã chỉ đạo Công ty xử lý để bảo đảm môi trường, rút kinh nghiệm về vụ việc và cam kết trong thời gian tới sẽ không tập kết cành, lá cây tại khu vực nghĩa trang.
Khi phóng viên làm việc với ông Phạm Văn Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum, thì vẫn nhận được lời khẳng định đó không phải là “rác”, chỉ là lá, cành cây mới đây đơn vị cắt tỉa trong khuôn viên Nghĩa trang. Khu vực tập kết là đất của hộ ông Trần Thanh Hùng, đơn vị thỏa thuận để tập kết và xử lý. Đất đó nằm ngoài khuôn viên Nghĩa trang. Khi phóng viên trao đổi việc thỏa thuận là có thuê đất hay không, thì ông Hải lại trả lời là hộ ông Hùng xin cành, lá cây tập kết về đó để làm phân bón (!?!).
Lời ông Hải khẳng định là vậy, tuy nhiên nhiều người dân có rẫy ở gần khu vực Nghĩa trang cho biết: Khu vực tập kết rác (cành, lá cây) này đã diễn ra từ năm ngoái. Thời gian gần đây thấy tập kết rất nhiều và xử lý bằng cách đốt. Đổ rác tràn ra cả đường đi, rất phản cảm và người dân đi lại khó khăn.
Né tránh “trách nhiệm”
Khi phóng viên làm việc, cả hai đơn vị đều khẳng định đó chỉ là cành, lá cây chứ không phải là “rác”. Tuy nhiên, theo quy định phân loại Chất thải hữu cơ dễ phân hủy, gồm: Thức ăn thừa và các loại thực phẩm hết hạn sử dụng; cỏ, lá cây, hoa các loại... Như vậy, việc khẳng định của hai đơn vị này đã trái với quy định phân loại chất thải.
Theo quy định, việc ký kết hợp đồng giữa Phòng Quản lý đô thị Tp. Kon Tum và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum khi cắt tỉa cây xanh đều phải có phương án xử lý lá, cành cây sau khi cắt tỉa.
Ông Phạm Văn Hải cho rằng hợp đồng ký kết với Phòng Quản lý đô thị về cắt tỉa cây xanh thì Công ty sẽ thu gom và đưa về Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà để xử lý. Trong khi đó, ông Trịnh Công Sơn - Trưởng phòng Quản lý đô thị Tp. Kon Tum thì khẳng định hợp đồng không có nói về vấn đề xử lý lá, cành cây sau cắt tỉa ở Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà.
Theo lãnh đạo UBND phường Ngô Mây, Tp. Kon Tum khẳng định: Việc Công ty cho rằng khu đất tập kết rác nằm ngoài phạm vi của Nghĩa trang, thuộc sở hữu của hộ gia đình ông Trần Thanh Hùng là không đúng. Bởi qua đối chiếu bản đồ địa chính thì khu vực đó thuộc đất của Nghĩa trang.
Việc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum tận dụng Nghĩa trang làm nơi xử lý rác đã diễn ra hơn 1 năm nay là không đúng với quy định tại Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kon Tum về việc “Ban hành quy định về quản lý, xây dựng, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Có thể thấy, các đơn vị có liên quan đang cố tình né tránh “trách nhiệm” với những việc làm sai với quy định và không công nhận đó là “rác”. Vậy trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong sự việc này như thế nào?
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!