Đến làng Đăk Xây (một làng nằm cuối xã Xốp, dưới chân núi Ngọc Linh), được Trưởng thôn A Nhíu cho hay: Đăk Xây có 55 hộ, trong số đó có đến 12 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. Tình trạng thiếu đói trong những ngày giáp hạt vẫn diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, làng Đăk Xây có 5 cặp vợ chồng tảo hôn chỉ có một lý do “thích nhau là về ở với nhau”.
Lần theo những địa chỉ Trưởng thôn cung cấp, chúng tôi tìm đến các cặp vợ chồng tảo hôn ở làng Đăk Xây. Một điểm chung của những gia đình này là, đều không có đất sản xuất, không có nhà ở, mà chỉ sống chung với bố mẹ và các anh chị em. Duy chỉ có vợ chồng A Nư, Y Na và cậu con trai 4 tuổi là được bố mẹ cất cho ngôi nhà tranh, vách nứa. Trong nhà không có gì đáng giá, nên ngôi nhà chẳng cần có cửa. Hằng ngày, Y Na đưa con đi chơi, còn A Nư cứ quanh quẩn trong làng vì không có việc gì để làm.
Ông A Ruổi, Chủ tịch UBND xã Xốp cho biết: Phần lớn các cháu trong làng không được học hành đến nơi đến chốn, thiếu hiểu biết nên cứ thích nhau là về sống với nhau. Không đăng ký kết hôn, chỉ cần hai bên gia đình đồng ý, tổ chức cái lễ theo phong tục xong là về sống với nhau. Đến khi con lớn, đủ tuổi đăng ký mới đưa nhau ra xã đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh.
A Lúi, cán bộ tư pháp xã Xốp, cung cấp thêm thông tin: “Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm xã Xốp có khoảng 14-20 trường hợp tảo hôn, phần lớn là tuổi từ 15-17. Chuyện tảo hôn ở đây hằng năm vẫn diễn ra, nhưng chính quyền địa phương không thể ngăn cản, vì phần lớn là người trong làng, trong xã nên chúng đến ở với nhau xã đâu biết được”.
Theo anh A Lúi, các tổ chức phụ nữ, thanh niên, Hội Nông dân... đều quan tâm phối hợp tuyên truyền về tác hại của việc tảo hôn cho người dân, nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục. Hằng quý, hằng năm, các trường hợp đến đăng ký kết hôn đều đủ tuổi, nhưng thực ra họ đã tảo hôn từ mấy năm trước. Cứ như vậy, chuyện tảo hôn ở xã Xốp diễn ra triền miên từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác. Với thực tế này, đòi hỏi chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, đoàn thể ở xã Xốp cần có những một giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc thù địa phương hơn. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp với việc xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo pháp luật để chặn đứng dòng chảy luẩn quẩn này.
HOÀNG HỎI