Xã Đạo Trù có gần 90% dân số là đồng bào DTTS. Từng là xã thuộc diện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Tam Đảo, nhưng nhờ sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân xã Đạo Trù đã được nâng cao đáng kể.
Bên cạnh việc quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt, hỗ trợ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Đạo Trù thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tam Đảo tạo điều kiện cho người dân vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, xây, sửa nhà cửa.
Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Tân Tiến chưa dám mơ có được ngôi nhà mới. Năm 2021, được sự giúp đỡ của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn, anh Sơn được tiếp cận gói vay hỗ trợ xây nhà cho cán bộ, người lao động có thu nhập thấp, chưa có nhà ở của NHCSXH huyện Tam Đảo trị giá 500 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy, gia đình anh xây được ngôi nhà mới khang trang.
Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ kinh tế còn khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế, không ít hộ trở thành khá, giàu của địa phương, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ vay vốn xây, sửa nhà ở, đời sống từng bước được nâng cao. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,2% (giảm 0,7% so với năm 2021).
Huyện Tam Đảo hiện có hơn 42% dân số là đồng bào DTTS, tập trung tại các xã Đạo Trù, Yên Dương, Bồ Lý, Đại Đình, Hồ Sơn, Minh Quang và thị trấn Hợp Châu.
Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm, thực hiện công tác an sinh xã hội cho đồng bào DTTS trên tất cả các mặt, như tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo động lực phát triển bền vững.
Cùng với việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Tam Đảo giai đoạn 2021-2025, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, các tiểu ban dự án, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế, hằng năm, các hộ dân thuộc xã miền núi, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được hỗ trợ giá mua các giống lúa có năng suất cao; giao đất, giao rừng, khoán rừng cho các hộ dân. Nhiều hộ dân đã có kinh tế khá, giàu nhờ phát triển mô hình trồng rừng.
Chính sách hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có việc làm, thu nhập ổn định.
UBND huyện liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX) huyện tổ chức dạy nghề và miễn, giảm học phí cho người lao động là đồng bào DTTS có nhu cầu học nghề và học sinh là người DTTS.
Năm 2022, huyện đã hỗ trợ học nghề cho hơn 800 học sinh, sinh viên, với mức hỗ trợ 780.000 đồng/tháng và hỗ trợ học phí cho gần 50 học sinh DTTS, với mức hỗ trợ 150.000 đồng/tháng. Nhờ vậy, số lao động được qua đào tạo của huyện ngày càng tăng, hằng năm có trên 2.500 lao động có việc làm mới, thu nhập ổn định.
Cùng với đào tạo nghề, nhằm giảm nghèo bền vững, huyện phối hợp với NHCSXH huyện tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn giúp người lao động phát triển kinh tế. Đến nay, toàn huyện có hơn 2.600 hộ đồng DTTS được vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, xây sửa nhà ở, chi phí học tập, trang bị hệ thống nước sạch… với tổng dư nợ hơn 128 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS, UBND huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu; duy trì, phát triển 7 CLB hát Soọng cô; quan tâm, thực hiện các chế độ, chính sách đối với 17 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tam Đảo Trần Văn Dương cho biết: Huyện Tam Đảo đang triển khai 10 dự án đối với đồng bào DTTS, như hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào DTTS; phát triển giáo dục đào tạo; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; chăm sóc sức khỏe Nhân dân…
Các dự án được triển khai đã góp phần nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Nhờ các giải pháp toàn diện trong công tác an sinh xã hội, đến nay, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được nâng cao đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS chỉ còn hơn 200 hộ.