Khai thác tiềm năng từ nguồn lực đầu tư
Tỉnh Vĩnh Long đang tích cực triển khai Dự án 06, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 1 2021 - 2025 ( gọi tắt: Chương trình MTQG 1719), với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, kết hợp với phát triển du lịch bền vững.
Theo đó, năm 2022, tổng kinh phí thực hiện là 958 triệu đồng, trong đó đã giải ngân 828 triệu đồng, đạt tỷ lệ 86,38% so với kế hoạch. Đến năm 2023, tổng kinh phí thực hiện tăng lên 2.560 triệu đồng, đạt 90% so với kế hoạch. Từ nguồn kinh phí này, tỉnh đã triển khai các hoạt động bao gồm: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ đội văn nghệ truyền thống tại các thôn đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao tại các ấp vùng DTTS.
Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ các hoạt động này, góp phần đưa công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điển hình, giai đoạn 2019-2024, nhiều di sản văn hóa của cộng đồng DTTS đã được quan tâm và bảo tồn, như lễ hội Lăng Ông Trà Ôn tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngoài ra, nghề thủ công truyền thống làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh cũng đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo ông Phan Văn Giàu, tỉnh Vĩnh Long hiện có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, trong đó có hai di tích gắn liền với cộng đồng DTTS, cùng 56 di tích cấp tỉnh, bao gồm các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và các công trình văn hóa của cộng đồng dân tộc Hoa. Các nghi lễ truyền thống tại các cơ sở tín ngưỡng như đình, chùa, miếu được bảo tồn nguyên vẹn, giữ được sự trang nghiêm và phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.
"Đặc biệt, hằng năm tỉnh Vĩnh Long có khoảng gần trăm lễ hội truyền thống lớn nhỏ được tổ chức, mỗi lễ hội đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc riêng có. Tiêu biểu như, Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn, lễ cúng Miễu, lễ hội Kỳ Yên, Ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào Khmer, Lễ Chol Chnam Thmay, Lễ Oc Oom Bo...; Đây không chỉ là dịp để người dân bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên, sinh hoạt văn hóa tâm linh, mà còn là cơ hội quảng bá văn hóa địa phương tới du khách trong và ngoài nước", Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phan Văn Giàu cho hay.
Tỉnh Vĩnh Long cũng đã thành lập được Tổ ca múa nhạc Khmer thuộc Đoàn Ca múa nhạc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, với 04 thành viên là người Khmer. Tổ đã thực hiện 08 lớp truyền dạy các điệu múa dân gian, múa trống sa dăm và giảng dạy nhạc ngũ âm cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng 04 sân Bi sắt cho các chùa đồng bào Khmer; tổ chức lớp tập huấn môn Cờ ốc với sự tham gia của 27 học viên. Hiện trên địa bàn tỉnh có 04 nghệ nhân ưu tú dân tộc Khmer được Nhà nước vinh danh.
Những chiến lược cụ thể
Từ năm 2022 đến 2024, tỉnh đã thực hiện công tác sưu tầm và bảo tồn văn hóa bằng việc thu thập được 105 hiện vật của đồng bào Hoa và Khmer, 120 hình ảnh về các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, và phục chế 07 hiện vật của cộng đồng người Hoa.
Đồng thời, tỉnh tổ chức trưng bày tuyên truyền, với chủ đề: “Đồng bào Khmer Vĩnh Long bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa còn được mở rộng qua việc nghiên cứu và tư liệu hóa truyền thống, đặc biệt là việc xây dựng một bộ phim về đám cưới truyền thống của người Khmer tại Vĩnh Long.
Trong giai đoạn 2019-2024, 14 di tích lịch sử văn hóa DTTS cấp quốc gia và cấp tỉnh đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo, với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Hằng năm, tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng tại các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ các vị sư sãi, nghệ nhân, và Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer, qua đó góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ về 5 nội dung trọng tâm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh trong giai đoạn tới. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung vào bảo tồn các di tích lịch sử, tu bổ và tôn tạo các công trình di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Đồng thời, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, với mục tiêu đưa một số lễ hội và nghệ thuật truyền thống vào danh mục di sản quốc gia. Triển khai liên kết giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch, nhằm biến di sản thành sản phẩm du lịch đặc trưng; Đồng thời, phát triển các làng nghề và các hoạt động du lịch gắn với văn hóa địa phương. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long sẽ chú trọng bảo tồn các môn thể thao và giá trị văn hóa của các DTTS, tôn vinh nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Với những bước đi cách làm phù hợp, thiết thực này, tỉnh Vĩnh Long không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển du lịch bền vững, góp phần nâng cao giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế địa phương.