Tháng cao điểm "Vì người nghèo" bắt đầu từ ngày 17/10, với các hoạt động nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai... Thông qua các hoạt động của Tháng cao điểm “Vì người nghèo” để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức và hành động, tích cực tham gia hưởng ứng “Cả nước chung tay vì người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau”. Những hoạt động hỗ trợ người nghèo chính là nhà ở, vay vốn phát triển sản xuất, học nghề; hỗ trợ quần áo, nhu yếu phẩm; hỗ trợ cây con giống…
Người nghèo là những người yếu thế trong xã hội. Yếu thế về thu nhập, yếu thế về vị trí việc làm, yếu thế về quan hệ xã hội… Vì thế, hãy nhìn họ bằng thái độ nhân văn, sẻ chia, cảm thông. Bởi, chẳng ai muốn mình phải nghèo. Cũng chẳng ai muốn mình rơi vào số phận nghèo... để phải nhận những khoản hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức. Nhưng, vì nhiều lý do… họ đành mang tiếng “người nghèo”.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, trên cả nước có hơn 1,3 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,23% so với tổng số hộ dân cư toàn quốc) và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 4,95%). Đó là “nỗi buồn” trong xã hội hiện đại với đủ đầy các phương tiện, biện pháp, giải pháp trong phát triển kinh tế tiến tới làm giàu. Chừng ấy người nghèo là chừng ấy số phận, cuộc đời kém may mắn.
Có những con người, cuộc sống khá giả, nhưng tai họa ập đến, tiêu tán hết gia sản, phút chốc trắng tay và thành người nghèo. Có những con người sinh ra đã kém may mắn so với trang lứa, không lành lặn, mang thương tật trên mình… cũng thành nghèo…
Việc phát động để hỗ trợ bằng nhiều cách dành cho người nghèo nhân Tháng cao điểm "Vì người nghèo" là điều thực sự cần thiết, nên làm. Về lâu dài, hãy coi đó là việc làm, hành động, suy nghĩ thường xuyên, liên tục, để người nghèo có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống; để người nghèo không trở thành gánh nặng và “lực cản” cho sự phát triển của xã hội.
Người xưa từng nói rằng, “thương người như thể thương thân”, rồi “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Những hoạt động tương thân, tương ái ấy đã là mạch nguồn tình cảm tốt đẹp, xuyên suốt cả chiều dài lịch sử, trở thành động lực, niềm tin để những người kém may mắn lạc quan hơn, tin tưởng hơn vào cuộc sống mới. Chung tay “Vì người nghèo” không chỉ là trách nhiệm giữa những con người với con người trong cộng đồng, mà còn là sự chia sẻ, cảm thông với những người kém may mắn, những người yếu thế.
Rất đáng mừng, là từ sự chung tay của toàn xã hội với mục đích “Vì người nghèo”, đã có nhiều người nghèo nỗ lực vươn lên, vượt qua chính mình để thoát nghèo, không còn là gánh nặng của xã hội. Có biết bao người nghèo đã tự nguyện nộp đơn xin thoát nghèo và họ đã thực sự thoát nghèo chỉ sau đó một thời gian rất ngắn. Có biết bao người nghèo đã phát huy hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống…
Cha ông ta từng có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, như là một động lực để mỗi người đừng phó mặc, đừng cả tin vào số phận, đừng đỗ lỗi cho số phận. Nếu có ý chí, nghị lực, có khát khao, cùng với sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội, chắc chắn mỗi người nghèo sẽ vượt qua chính mình để thoát nghèo.
Hoạt động vì người nghèo là hoạt động nhân văn, thấm đẫm tình người. Dẫu không muốn, nhưng vẫn phải nhắc lại rằng, các hoạt động dành cho người nghèo, vốn đã xuất phát từ trái tim, thì hãy để nó đi đến trái tim một cách trọn vẹn, đúng nghĩa. Nói thế là để loại trừ ra khỏi suy nghĩ, tiềm thức của những con người đang thực hiện trách nhiệm cao cả, ý nghĩa trong việc tuyên truyền, vận động vì người nghèo: Đừng vì danh nghĩa người nghèo mà trục lợi cho bản thân, để rồi mang tiếng xấu muôn đời.
Người nghèo là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng xã hội. Tỷ lệ người nghèo đông, thì trách nhiệm của cộng đồng dành cho họ càng lớn. Tỷ lệ người nghèo đông, xã hội sẽ phải dành thời gian nhiều hơn, chi nguồn lực nhiều hơn để quan tâm, chăm sóc. Hơn hết thảy, để người nghèo không còn là gánh nặng của xã hội, thì cần có chiến lược lâu bền, dài hơi ở cả hai phạm trù vĩ mô và vi mô.
Những hỗ trợ trước mắt là thực sự cần thiết đối với cuộc sống thường ngày của người nghèo. Những về lâu dài, làm sao để giảm thiểu tỷ lệ người nghèo, làm sao để những người nghèo nhanh thoát nghèo, làm sao để hạn chế tình trạng tái nghèo… là điều đặc biệt phải lưu tâm nhất.