Theo Bộ Công Thương, trong hơn 10 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày.
Nguyên nhân là do, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.
Mới đây nhất tại Hà Nội liên tiếp phát hiện các vụ việc kinh doanh hàng hóa là thực phẩm có dấu hiệu nhập lậu. Ngày 19/12/2024, Đội QLTT số 24, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Hoài Đức kiểm tra đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Gia Ly Food; địa chỉ: Thôn Minh Khai, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, Cơ sở có 6 người đang sử dụng công cụ, máy móc thực hiện việc san chia, đóng gói các sản phẩm thực phẩm từ các túi nguyên liệu sang các túi sản phẩm có nhãn ghi “HỔ KA KA - Đậu nành hương vị thiên nhiên”, nhà sản xuất: Công ty TNHH Công nghiệp Xiyuan Chaoan, địa chỉ: Mảnh phía bắc Shangguo khu công nghiệp Meixi ChaoAn Quảng Đông.
Kiểm đếm thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện 23.200 gói hàng hóa thành phẩm có nhãn “HỔ KA KA Đậu nành hương vị thiên nhiên”; 70 kg sản phẩm thực phẩm Đậu nành chiên tương được đựng trong 5 túi nylon trên bao bì không có căn cứ xác định được nguồn gốc, xuất xứ.
Đại diện cơ sở cho biết: “Công ty mua nguyên liệu là Đậu nành chiên tương, sau đó thuê nhân công san chia, đóng gói vào các túi nylon được in sẵn rồi dùng máy đóng gói để hàn miệng gói và đóng thành thành sản phẩm có nhãn ghi “HỔ KA KA - Đậu nành hương vị thiên nhiên”, hàm lượng tịnh: 18g, nhà sản xuất: Công ty TNHH Công nghiệp Xiyuan Chaoan, địa chỉ: Mảnh phía bắc Shangguo khu công nghiệp Meixi ChaoAn Quảng Đông. Các túi nylon in sẵn các thông tin trên tôi mua trôi nổi trên thị trường”.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn ghi nhận tại cơ sở có 2 Máy đóng gói Rex-C700 nhãn JIANGNAN; 120 chiếc vỏ thùng các tông nhãn ghi TIGER BROTHER; 14.350 chiếc vỏ bao bì trên nhãn, bao bì sản phẩm có ghi “HỔ KA KA - Đậu nành hương vị thiên nhiên”, hàm lượng tịnh: 18g; nhà sản xuất: Công ty TNHH Công nghiệp Xiyuan Chaoan, địa chỉ: Mảnh phía bắc Shangguo khu công nghiệp Meixi ChaoAn Quảng Đông.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá thành phẩm “HỔ KA KA - Đậu nành hương vị thiên nhiên” và nguyên liệu dùng để sản xuất, bao bì, máy móc nêu ở trên để xác minh tình tiết vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Đội QLTT số 24 phối hợp Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Hoài Đức kiểm tra Địa điểm kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ Số nhà 171, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội thuộc Hộ kinh doanh Vân Thanh.
Qua kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh Vân Thanh có bày bán một số các mặt hàng là thực phẩm do nước ngoài sản xuất, có nhãn ghi bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ gồm: 35 thùng kẹo hình con cá, 15 thùng kẹo hình quả trứng, 4 thùng kẹo hình quả bầu dục. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hoá vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 18/12/2024, Đội QLTT số 24 phối hợp Đội 6 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Thành phố Hà Nội kiểm tra Địa điểm kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ số 17 xóm chùa Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội do ông N.Đ.H là chủ kinh doanh.
Qua kiểm tra phát hiện ông N.Đ.H đang kinh doanh hàng hóa do nước ngoài sản xuất, trên nhãn có chữ bằng tiếng nước ngoài, gồm 30 thùng Kẹo sáp, 15 thùng Kẹo sữa cùng 15 thùng Kẹo hình bắp ngô; 10 thùng Kẹo dẻo là thực phẩm được đựng trong túi nilon trong thùng các tông, trên bao bì hàng hoá không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hoá. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Cục QLTT đã từng thu giữ gần 25.000 sản phẩm nhập lậu bán qua kênh thương mại điện tử của tài khoản có tên “Nguyễn Kiên…”. Hàng hóa đang kinh doanh và lưu kho gồm 6.000 chiếc ốp điện thoại di động nhãn hiệu HOCO; 3.500 chiếc ốp điện thoại di động nhãn hiệu CASE.PRO; 7.500 chiếc ốp điện thoại di động MADE IN CHINA; 6.000 chiếc miếng dán cường lực nhãn hiệu KINGKONG GLASS. Tổng trị giá hàng hóa là 205.500.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất (trên sản phẩm in dòng chữ Made in China), có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Tại tỉnh Cà Mau, lực lượng QLTT tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store do bà Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1993, thường trú tại tỉnh Cà Mau làm chủ, phát hiện tại đây có khoảng 10 tấn hàng hóa là quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm được bán theo hình thức Livestream trên nền tảng mạng xã hội.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Đội QLTT số 18 phối hợp với Công an xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn tiến hành kiểm tra Điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại xã Đông Thạnh do ông T.H.M. làm chủ, nhưng không có giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra tạm giữ 11.590 cái đĩa đá cắt các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang chào bán qua Zalo, trị giá 59.930.000 đồng. Tiếp tục rà soát việc kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong thương mại điện tử, ngày 14/11/2024 Đội QLTT số 18 đã phát hiện Hộ kinh doanh N.T.K. kinh doanh thiết bị điện qua Zalo nên đã phối hợp Công an xã Nhị Bình kiểm tra và tạm giữ 9.300 sản phẩm chóa đèn, đuôi đèn và ổ cắm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 53.800.000 đồng.
Tại tỉnh Tây Ninh, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh triệt phá thành công hai điểm kinh doanh vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, thu giữ hơn 3.680 sản phẩm có dấu hiệu hàng giả trên mạng. Số hàng hóa bị tịch thu gồm nhãn, bao bì giả mạo, hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc, với tổng trị giá ước tính khoảng 292 triệu đồng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước
Trước tình trạng hàng giả, hàng lậu gia tăng, ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, để ngăn chặn việc định danh cá nhân người bán hàng là giải pháp căn cơ, cần thiết và nên thực hiện sớm. Có những nền tảng xã hội chưa bắt buộc phải định danh và cho đăng ký bằng các tài khoản Gmail. Việc định danh trên cơ sở số điện thoại của cá nhân người sử dụng cũng rất cần thiết bởi vì hiện nay vẫn còn hiện tượng sử dụng tài khoản ảo và số điện thoại ảo thậm chí là tài khoản ngân hàng cũng ảo… chính vì thế, việc điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng là cũng có gặp nhiều khó khăn. Và việc này chúng tôi cũng đã có nhiều lần kiến nghị đối với các đơn vị chủ quản và quản lý đối với lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT đề xuất, phải có sự định danh người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, mà điều đặc biệt định danh ở đây là chúng ta không phải chỉ định danh một cách đơn thuần và định danh điện tử mà chúng ta phải định danh về mặt địa lý thực tế sản xuất hàng hóa, định danh được số lượng hàng…