Người hùng của bảnVụ lở núi kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng ngày 27/6, đã vùi lấp toàn bộ 28 nóc nhà ở bản Sáng Tùng. Trong vụ lở núi kinh hoàng đó, điều kỳ diệu đã xảy ra đó là toàn bộ bà con dân bản không ai bị thương vong. Qua tìm hiểu, mới biết cách đó vài ngày Phó bản Giàng A Hánh phát hiện vết nứt núi nên đã cùng với cấp ủy, chính quyền xã vận động bà con di chuyển đến nơi an toàn.
Chưa hết vẻ bàng hoàng, cụ bà Hảng Thị Mỷ, một người già trong bản cho biết: Cả đời sinh sống tại bản, chưa bao giờ bà thấy sợ đến vậy. Cả sườn núi cứ từ từ tụt xuống trong tiếng la ó của người dân trong bản. Nhìn thấy nhà mình tụt dần xuống, thóc lúa, lợn, gà chạy nháo nhác mà chằng biết làm gì. Tài sản tích cóp cả đời của bà con dân bản giờ đã bị vùi lấp dưới đống đổ nát, cũng may gia đình bà không ai bị thương.
“Mấy hôm trước Phó bản Hánh có về nói với bà con trong bản phải chuyển đi thôi, ở đây nguy hiểm lắm, núi sắp lở rồi. Bà con trong bản cũng không biết có nên nghe nó không vì đã ở đây bao đời nay rồi. Nhưng mà Phó bản bảo cứ chuyển đi mấy hôm xem thế nào vì trên núi có vết nứt to lắm. Thế là bà con nghe theo Phó bản chuyển đi chứ nếu không chuyển thì bây giờ chắc cả bản chết hết rồi”, bà Mỷ nhớ lại.
Qua câu chuyện với Phó bản Giàng A Hánh, chúng tôi được biết, vết nứt núi được anh phát hiện cách ba ngày khi xảy ra lở núi. Hôm đó, anh Hánh cùng nhóm thanh niên trong bản đi rừng, trên đường về trời mưa như trút nước.
“Những đợt mưa trước, nước chảy qua bản rồi đổ dồn xuống suối dưới chân núi, nhưng hôm đó mưa rất to mà nước ở bản lại ít đi. Thấy lạ, em đi theo vết nước chảy thì thấy một vết nứt rộng bằng một bước chân và sụt thấp hơn mấy gang tay. Về bản em nói với bà con và báo với chính quyền xã. Cán bộ xã vào kiểm tra, xong ngay ngày hôm sau vận động bà con di chuyển trâu bò đi trước, rồi tối đó yêu cầu bà con không ngủ tại bản nữa. Cũng may bà con trong bản chuyển đi kịp thời, không thì không biết bây giờ thế nào”, Phó bản Hánh kể lại.
Ấm lòng người dân Sáng TùngChỉ sau một đêm, toàn bộ tài sản, nhà cửa mà người dân tích cóp bao đời bị thiên nhiên cuồng nộ cướp đi tất cả. Sau những mất mát to lớn này, người dân chỉ còn biết trông trờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng.
Anh Hảng A Mình, Trưởng bản Sáng Tùng, buồn rầu cho biết: Bà con trong bản cũng đã nhận được sự hỗ trợ trước mắt của các cấp chính quyền và bà con trong vùng. Những gói mì tôm, hộp lương khô hay những hộp sữa, tuy không nhiều nhưng cũng là món quà quý giá, đầy ý nghĩa với bà con lúc này.
“Tài sản của bà con đã mất hết rồi, mỗi người chỉ kịp cầm có một cái chăn, cái chiếu và bộ quần áo trên người để chạy thôi. Rất mong được lãnh đạo các cấp quan tâm để bà con sớm ổn định cuộc sống”.
Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Ngay sau khi tuyến đường liên bản từ trung tâm xã Tà Ngảo về bản Sáng Tùng, huyện Sìn Hồ cũng đã cử một đoàn cán bộ về phối hợp với lực lượng dân quân xã và các lực lượng chức năng khác hỗ trợ bà con di chuyển đồ đạc, dựng nhà lán tạm và trang bị cho bà con các vật dụng sinh hoạt, nhu yếu phẩm để lo cho cuộc sống trước mắt. Trước mắt, huyện hỗ trợ bà con mỗi hộ 3 triệu đồng làm lán để ở, cấp phát mì tôm và nước uống.
“Quan điểm của chúng tôi là cố gắng không để người dân nào bị đói, không có chỗ ở sau thiên tai. Sau khi thông đường hoàn toàn, chúng tôi sẽ thống nhất với bà con để di dời bản Sáng Tùng ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Về đất sản xuất thì vẫn giữ nguyên hiện trạng, còn đất ở thì sau khi thống nhất được chúng tôi sẽ triển khai làm đường và mặt bằng”, ông Liệt cho biết thêm.
Trong đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã mang lại mất mát cho nhiều gia đình. Nỗi đau không thể ngày một ngày hai bù đắp lại được. Tuy nhiên, những sự sẻ chia, quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền, các nhà hảo tâm đã góp phần sưởi ấm những thân phận sau mưa lũ.
Dù vậy, sự tàn phá của thiên tai, mưa lũ vừa qua là quá lớn, người dân vùng lũ nói chung, đồng bào bản Sáng Tùng nói riêng đang cần lắm sự sẻ chia hỗ trợ của Nhà nước và của cả cộng đồng.
Tính đến ngày 29/6, trận mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã làm 16 người chết, 17 người bị thương và 9 người mất tích. Mưa lũ cũng gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 315 tỷ đồng.
TRỌNG BẢO