Vận hội mới
Qua 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn rất đáng tự hào, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành công tác dân tộc với kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bước vào giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao… Trong đó, Nghị quyết đã chỉ rõ “Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng DTTS; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào DTTS…”.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra giải pháp, trong giai đoạn mới, huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Trong đó, chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển KT-XH, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, Người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS…
Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Kết luận chỉ ra nhiệm vụ: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS. Các chính sách phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của cả đồng bào DTTS. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (tại Nghị quyết số 88/2019/QH14). Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (tại Nghị quyết 120/2020/QH14). Đây là những quyết sách có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Lần đầu tiên lĩnh vực công tác dân tộc có một Chương trình mục tiêu quốc gia, là giải pháp quan trọng mang tính đột phá nhằm tập trung nguồn lực phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS và miền núi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ đạo, hoàn thiện cơ bản hệ thống chính sách dân tộc.
Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc; nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội về công tác dân tộc đã được nâng lên rõ rệt; sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; sự đồng thuận, nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS… Tất cả đã mang đến những vận hội mới đối với lĩnh vực công tác dân tộc trong giai đoạn mới.
Tầm vóc mới
Thực hiện công tác dân tộc trong giai đoạn mới, Ủy ban Dân tộc đã đề ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó, kiên định, kiên trì thực hiện các quan điểm, đường lối của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc được giao là cơ quan thường trực, chủ trì thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Điều đó cho thấy, vai trò, vị thế của cơ quan công tác dân tộc ngày càng được khẳng định. Nhưng đây cũng là trọng trách lớn, nhiệm vụ hết sức nặng nề...
Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình lớn, có tính ưu việt khi tích hợp được hơn 100 chính sách dân tộc mà trước đây dàn trải, manh mún, chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý. Nguồn lực được huy động tập trung, hướng tới việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất...
Chương trình được kỳ vọng sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS đã khá đầy đủ, vấn đề còn lại là ở việc thực thi. Do đó, khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, điều ông quan tâm nhất là triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bảo đảm đúng đối tượng, đúng địa bàn, chính xác và khách quan.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, một bài học mà ông rút ra và luôn tuân thủ là nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy ý kiến đồng thuận từ tập thể lãnh đạo, từ địa phương, bộ, ngành và người dân. Chỉ khi có sự đồng thuận, chính sách mới có thể đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao.
Với nhiệm vụ mới, tầm vóc mới trong thực hiện công tác dân tộc, những khó khăn, bất cập, hạn chế trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc sẽ từng bước được tháo gỡ. Đó là động lực mạnh mẽ để chúng ta vững tin, quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trong giai đoạn mới, mở ra cơ hội phát triển đầy hứa hẹn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.