“Cánh cửa” quảng bá tác phẩm văn học
Từ sau năm 2000, văn học mạng không còn xa lạ với những ai yêu thích văn chương và sáng tác. Với mạng Internet, không cần một nhà xuất bản mà chính tác giả có thể thoải mái tự đăng tác phẩm của mình lên và tự tìm kiếm độc giả. Văn học mạng mang đến luồng gió mới, đem lại nguồn tác phẩm dồi dào cho người đọc.
Tại Việt Nam, văn học mạng hiện nay được hình thành từ 2 luồng chính. Thứ nhất là những cây viết thời đại công nghệ số, tự sáng tác và công bố tác phẩm trên môi trường số, tương tác trực tiếp với độc giả. Thứ hai là một số tác giả đã thành danh, có nhiều sản phẩm được công chúng đón nhận và theo dòng chảy của thời đại, họ sử dụng Internet để đa dạng hóa hình thức truyền tải, giúp đông đảo người đọc tiếp nhận tác phẩm của mình theo lựa chọn cá nhân.
Với phương thức tồn tại và vận động phi truyền thống trên nền tảng Internet, văn học mạng có những ưu thế của riêng mình. Người viết có thể thông qua các tài khoản mạng xã hội để đưa tác phẩm tiếp cận công chúng một cách dễ dàng, nhanh chóng. Việc tiếp cận tác phẩm của người đọc cũng vô cùng thuận lợi, khi chỉ cần có trên tay một chiếc smartphone được kết nối mạng, có một tài khoản mạng xã hội, mọi cá nhân đều có thể tìm đọc các tác phẩm.
Trong không gian số, chưa bao giờ mối quan hệ, sự giao lưu giữa nhà văn và người đọc lại gần nhau đến thế. Nhà văn Trang Hạ, người chủ yếu thành danh nhờ sáng tác trên mạng cho rằng, tác phẩm được coi là văn học mạng khi được sáng tác từng phần trên mạng, quan trọng hơn là phải được độc giả tham gia vào quá trình sáng tác, thậm chí thay đổi cả kết cấu nội dung, văn phong của tác phẩm. Ở đó tác giả xây dựng được nhóm công chúng cho riêng mình, nhận những lời bình phẩm của độc giả để thay đổi tác phẩm của mình.
Bất cập trong quản lý
Có thể khẳng định, văn học mạng là một bộ phận không thể tách rời của đời sống văn học đương đại. Tại Lớp Tập huấn Lý luận Phê bình do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tại Tuyên Quang năm 2022, PGS. TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ, Internet giúp các tác phẩm văn học đến gần, đến nhanh hơn với công chúng, tương tác trực tiếp với công chúng. Tuy nhiên, cũng để lộ nhiều bất cập trong việc quản lý nội dung cũng như bản quyền. Tình trạng “vàng - thau” lẫn lộn trong văn học mạng là chuyện thường gặp, vì đây là tác phẩm không qua kiểm duyệt. Không ít tác phẩm mang nội dung không lành mạnh, mang tính giải trí nhiều hơn. Chính vì vậy, khó tránh được việc các tác phẩm mới này có nội dung chưa phù hợp về thuần phong mỹ tục hay chưa phù hợp với định hướng phát triển văn học nghệ thuật của cơ quan chủ quản.
Bên cạnh đó, xuất phát từ tâm lý muốn tạo sức hút cho tác phẩm của mình, nhiều người viết trên môi trường mạng đã đưa những yếu tố sex, đồi trụy vào tác phẩm, làm xuất hiện những tác phẩm có nội dung suy đồi, phản văn học, phản thẩm mỹ gây tác động xấu đến văn hóa toàn xã hội. Chưa kể có những tác phẩm có nội dung xuyên tạc, bóp méo về đề tài lịch sử dẫn đến những nhận thức sai lệch, thiếu toàn diện cho người đọc, nhất là người đọc trẻ. Chính điều này làm cho tác phẩm văn học mạng luôn tiềm ẩn các nguy cơ độc hại đối với độc giả lứa tuổi thanh thiếu niên.
Chị Phạm Minh Lan, giáo viên dạy môn Ngữ Văn, Trường THPT Tân Trào Tuyên Quang chia sẻ, chỉ cần gõ vài từ khóa đơn giản là sẽ ra một loạt Website, nền tảng đọc truyện trực tuyến như truyenfull.vn, enovel.mobi, thichdoctruyen.net… thu hút lượng lớn độc giả hiện nay. Trên các trang này có những tiểu thuyết mở đọc miễn phí, có truyện miễn phí những chương đầu và cả truyện thu phí. Điều đáng nói, nội dung của nhiều tác phẩm gây sốc, đề cập nhiều về giới tính, bạo lực…
Trên các diễn đạt văn học, nhiều nhà văn thừa nhận rằng, mặc dù một số nền tảng đã có công cụ để “quét” rác văn học nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả. Minh chứng là vẫn ngày một nhiều sản phẩm xấu, độc, mạo danh văn học xuất hiện trên không gian mạng. Chúng ta đang quá “mở” trong kiểm duyệt văn học mạng khiến những “đống rác” ấy cứ ngày một ngồn ngộn, vấy bẩn môi trường văn hóa.
Trước những giá trị và giới hạn của văn học mạng, điều cần làm là phải tạo môi trường để những nhà văn có cơ hội sáng tác và quảng bá tác phẩm đến với công chúng. Điển hình các trang Web chuyên về văn học - nghệ thuật cần tăng cường việc đăng tải tác phẩm; hỗ trợ tổ chức các buổi ra mắt sách… Bên cạnh đó, cần phải nâng cao văn hóa của người đọc để trang bị cho mỗi người nhận diện được đâu là những giá trị đích thực, đâu là những nội dung phản nghệ thuật, phản văn hóa. Các cơ quan quản lý cần có những giải pháp để phát hiện sớm, xử lý những tác phẩm có nội dung suy đồi, lệch lạc chuẩn mực đạo đức nhằm làm trong sạch đời sống văn học mạng.