Người già cũng tìm đến thư viện đọc sách
Chúng tôi đến xã Bế Văn Đàn khi cái rét căm căm của những ngày đầu năm, thế nhưng trong gian phòng nhỏ ấm áp của UBND xã, người dân vẫn tới tìm mượn sách để đọc. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là, dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, song tủ sách của xã luôn đầy ắp từ truyện, thơ, báo, tạp chí cho đến các sách về khoa học - kỹ thuật và sách pháp luật. Hơn nữa, những độc giả của thư viện hôm nay lại là những cụ cao niên.
Già Lâm Văn Bòn năm nay đã ngoài 70 tuổi, một độc giả trung thành của tủ sách cho biết, nhà già cách UBND xã hơn 5 cây số, nhưng tuần nào già cũng cố gắng thu xếp 1 - 2 buổi để đọc sách. Vì ở đây, già tìm được nhiều cuốn truyện, thơ hay phù hợp. Hơn nữa, mỗi lần đến tủ sách, già còn được gặp gỡ, giao lưu với những người bạn cùng sở thích. Mỗi lần gặp nhau, mọi người đều chuẩn bị 1 ấm trà vừa nhâm nhi đọc sách vừa trao đổi những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Thỉnh thoảng nhóm của già còn tham gia làm thơ, rồi đọc cho nhau nghe. Nhờ có tủ sách, mà mọi người cảm thấy vui vẻ đoàn kết hơn.
Còn già làng Nông Văn Ký, năm nay 71 tuổi, dân tộc Nùng ở thôn Bắc Hồng II tâm sự, già vinh dự được Nhân dân bầu là Người có uy tín. Tuy nhiên, bản thân già tự nhận thấy mình còn nhiều hạn chế vì mới chỉ học hết lớp 6. Từ kinh nghiệm của bản thân, già thấy rằng, thiếu cái ăn, cái mặc rồi sẽ vượt qua, nhưng thiếu cái chữ sau này sẽ rất khó khăn trong công việc. Do đó, dù tuổi đã cao, nhưng già vẫn cố gắng đến tủ sách để tự trau dồi kiến thức. Hơn nữa già cũng muốn làm gương cho con cháu noi theo.
Già Ký tâm sự : “Khuyên dạy con cháu chịu khó học hành đọc sách thì nói suông là chưa đủ. Vì thế, dù tuổi đã cao, nhưng tôi cũng cố gắng đến tủ sách để học tập. Có như vậy con cháu tôi mới thực sự tin và làm theo”.
Lan tỏa văn hóa đọc
Chia sẻ về mô hình tủ sách, ông Dương Quang Đồng, Chủ tịch UBND xã Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa cho biết, xã được thành lập từ tháng 3/2020, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa với một phần diện tích, dân số xã Hồng Đại, có 42,11 km2 diện tích tự nhiên và 10 xóm, quy mô dân số 2.546 người. Là xã biên giới còn nhiều khó khăn, song xã vinh dự được mang tên người Anh hùng Bế Văn Đàn, vì vậy cán bộ và Nhân dân địa phương luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với tên gọi của người Anh hùng.
Do đó, trước khi sát nhập, tủ sách của xã đã được hình thành. Hằng năm UBND xã còn phân công 2 cán bộ, 1 người là cán bộ tư pháp, 1 người là cán bộ văn hóa trực tiếp phụ trách tủ sách. Theo đó, các cán bộ này tích cực liên hệ với Phòng Văn hóa, Phòng Tư pháp; cũng như các tổ chức đoàn thể để xin sách về địa phương. Các đầu sách rất phong phú từ văn hóa, khoa học - kỹ thuật đến văn bản pháp luật để người dân có thể dễ dàng tiếp cận.
Ngoài ra, xã còn bố trí phòng internet để người dân có thể tra cứu miễn phí và tăng cường tính hấp dẫn. Chính quyền còn ban hành văn bản để từng cán bộ trong xã, các thôn tích cực vận động người dân đến tủ sách. Nhờ vậy, những năm qua, người dân nhất là các cháu nhỏ rất tích cực đến tủ sách tìm tư liệu. Từ khi dịch Covid bùng phát cho đến nay, người dân ít tập trung đến tủ sách để đọc tại chỗ, nhưng họ vẫn thường xuyên mượn sách mang về đọc.
Ông Dương Quang Đồng cho biết thêm, là xã biên giới đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm thấp, xã Bế Văn Đàn mới đạt được 14/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhưng xã đã hoàn thành tiêu chí về văn hóa. Tủ sách pháp luật cũng là một trong những điểm nhấn trong hoạt động văn hóa của xã.
Đây thật sự là một mô hình hay, rất cần được các tổ chức, đơn vị hỗ trợ thêm các đầu sách để lan tỏa văn hóa đọc cũng như nhân rộng mô hình.