Quan tâm đầu tư hạ tầng
Năm 2024 đã khép lại với những thành tựu ấn tượng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác giảm nghèo đa chiều tiếp tục đạt được những dấu ấn, nhất là kết quả giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 đạt và vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1,9%, (giảm trên 1%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn dưới 13,5% (giảm trên 3%).
Một thành công trong công tác giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo nâng lên rõ rệt. Đây là thành quả từ sự quan tâm đầu tư hạ tầng thông tin với mục tiêu “phủ sóng” thông tin về cơ sở, giúp người nghèo tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.
Đơn cử tại xã Long Mai, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, hiện các thôn trên địa bàn xã đã có Internet, phủ sóng mạng 4G và 7 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Nhờ đó, người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Theo Chủ tịch UBND xã Long Mai Trần Văn Lịch, thực tế cho thấy, muốn giảm nghèo thì phải thay đổi nhận thức của người dân, để họ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, tình cảm, ghi nhận những đề xuất của người dân, từ đó hỗ trợ đúng, trúng, phù hợp, giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Cũng như xã Long Mai của huyện Minh Long, các địa phương thuộc vùng đồng bào DTTS đã và đang được đầu tư hạ tầng thông tin đồng bộ. Hết năm 2024, theo báo cáo tổng hợp của Ủy ban Dân tộc, toàn vùng có trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Mạng lưới thông tin được đảm bảo đã góp phần quan trọng để các địa phương triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức cho đồng bào DTTS.
Tuyên truyền đi trước
Với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số địa bàn đặc biệt khó khăn, đồng bào còn thiếu dịch vụ xã hội và phương tiện truyền thông, ngôn ngữ khó tiếp cận... đòi hỏi phải có phương pháp truyền thông phù hợp.
Ủy ban Dân tộc cũng đã có những định hướng đối với công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách dân tộc. Theo đó, việc truyền thông, tuyên truyền được thực hiện đồng bộ bằng nhiều kênh và phù hợp với từng đối tượng, địa bàn như: Truyền thông, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng thông qua các cơ quan thông tấn báo chí; truyền thông trực tiếp tại cơ sở thông qua hội nghị, hội thảo, hội thi, họp thôn/bản, thành lập các câu lạc bộ… và tuyên truyền, truyền thông qua lực lượng quần chúng đặc biệt là các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng…
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr, công tác truyền thông, tuyên truyền luôn đi trước, mở đường để thống nhất về nhận thức và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đối với lĩnh vực công tác dân tộc, nội dung, hình thức tuyên truyền cần linh hoạt và đa dạng, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm tình hình và phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng, miền. Trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông của Ủy ban Dân tộc phải khẳng định vai trò chủ lực trong tuyên truyền về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh khai thác các lợi thế của mạng xã hội, ứng dụng công nghệ trong truyên truyền.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cũng cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, những người làm công tác tuyên truyền cần thể hiện được vai trò “dẫn dắt”, định hướng dư luận, giúp đồng bào loại bỏ các thông tin “nhiễu”, thông tin xấu, độc; kịp thời nhận diện, chủ động đấu tranh, ngăn chặn các luận điệu sai trái, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây mất trật tự an toàn xã hội; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm 2025 - năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách nói chung và truyền thông chính sách dân tộc nói riêng cũng cần đổi mới toàn diện để thực hiện “sứ mệnh cầu nối” đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc, hiện thực hóa mục tiêu: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển.