Tham dự phiên họp có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Nội chính Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên thường kì tháng 4/2024, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn tra trong 4 ngày làm việc để cho ý kiến với 18 nội dung.
Nhóm nội dung lập pháp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) gồm: Cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, tại phiên họp này, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với 01 dự án luật lùi thời gian trình và bổ sung 12 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; đồng thời đề nghị xem xét trình Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với khoảng 18 dự án luật.
Trên cơ sở các hồ sơ, tờ trình của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật, nghị quyết đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đòi hỏi của thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nội dung nào chưa đủ điều kiện, chưa đủ “chín” thì cân nhắc bố trí vào thời điểm phù hợp để khắc phục tình trạng điều chỉnh Chương trình nhiều lần; đồng thời khắc phục tối đa tình trạng một số dự án, dự thảo đề nghị bổ sung vào Chương trình quá gấp hoặc đã đưa vào Chương trình nhưng triển khai không bảo đảm tiến độ.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi Đảng đoàn Quốc hội có Đề án về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đã có đề xuất cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Dự án Luật được giao cho Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì soạn thảo. Thời gian qua, các cơ quan đã nghiên cứu, khảo sát kĩ lưỡng đến nay đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án luật dự kiến trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Nhóm vấn đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; Cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Nhóm vấn đề quan trọng quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2023; Tờ trình số 112/TTr-CP ngày 28/3/2024 của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các các nội dung thuộc thẩm quyền, gồm: Xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023; Cho ý kiến về Tờ trình số 01/TT-CTN ngày 01/3/2024 của Chủ tịch nước về việc ký Hiệp ước vay giữa nước CHXHCN Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) cho Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Xem xét Báo cáo số 71/BC-CP của Chính phủ về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23/01/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Cho ý kiến về việc tổ chức lại Trung tâm tin học thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước; Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2024.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác.