Đề tài khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi” được triển khai thực hiện 24 tháng, với kinh phí 1.530 triệu đồng, do Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - Đại học Thái Nguyên là cơ quan chủ trì. Mục tiêu của Đề tài nhằm hỗ trợ khởi nghiệp vùng DTTS và miền núi, cung cấp các căn cứ có tính khoa học và thực tiễn giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách xây dựng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần thiết thực hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó góp phần khai thác được lợi thế vùng miền, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.
Báo cáo đánh giá Đề tài, PGS.TS. Trần Chí Thiện, thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài gồm có 5 chương, bao gồm những nội dung cơ bản: Lý luận hỗ trợ khởi nghiệp; Kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp có thể áp dụng cho vùng DTTS và miền núi, chính sách hỗ trợ; Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; Thực trạng hỗ trợ khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi; Giải pháp tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi.
Tại buổi nghiệm thu các thành viên của Hội đồng đánh giá Đề tài đã đưa ra các kinh nghiệm, giải pháp khoa học hỗ trợ khởi nghiệp vùng DTTS ở Việt Nam. Các mục tiêu cơ bản của Đề tài cơ bản hoàn thành so với mục tiêu yêu cầu. Đề tài có tính đại diện, tin cậy trên cơ sở nghiên cứu có liên quan đến vùng DTTS ở Việt Nam, đạt các mục tiêu của Đề tài.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đánh giá Ban Chủ trì đề tài cần bám sát vào nội dung Đề tài, cần điều chỉnh sửa đổi nội dung của Đề tài tập trung làm rõ các lĩnh vực khởi nghiệp, đồng thời đề xuất các mô hình khởi nghiệp cụ thể hơn đối với vùng DTTS và miền núi.
Kết thúc buổi nghiệm thu, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học đánh giá thông qua nghiệm thu đề tài. Tuy nhiên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đề nghị cơ quan Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tiếp thu chỉnh sửa nội dung theo các ý kiến đánh giá của Hội đồng nghiệm thu./.